Thời sự - Bình luận

Để tình thương không bị lãng quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thực tế vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các cơ sở bảo trợ xã hội.

Từ trước tới nay, TP.HCM luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước về các chính sách bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội. Với gần 2 triệu trẻ em, chính quyền TP.HCM đã thống kê có hơn 9.000 trẻ thuộc hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ phải kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập THCS, trẻ bị xâm hại…) và hơn 20.000 trẻ đối diện nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với tính chất đặc thù có số lượng người nhập cư đông và dân số biến động liên tục, TP không ngừng hoàn thiện mạng lưới và chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em.

Trong đó, phải kể đến Quyết định 2017 năm 2020 của UBND TP về quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Quyết định này đã tạo hành lang pháp lý để can thiệp và giải quyết nhanh chóng các vụ liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em khi rút ngắn thời gian thực hiện một số bước so với Nghị định 56 năm 2017 của Chính phủ. Ví dụ như xác minh thông tin vụ việc chỉ trong 2 giờ, rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Điều này giúp hỗ trợ và kết nối dịch vụ cho trẻ em và gia đình kịp thời. Hay đầu năm 2023, TP.HCM triển khai thí điểm mô hình một cửa tại bệnh viện để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp mới, đầu tiên được triển khai trên cả nước.

Ngoài việc đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 103 năm 2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, TP.HCM cũng có hướng dẫn số 10704 năm 2020 của Sở LĐ-TB-XH về kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội. TP còn có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và một mạng lưới các cơ sở, mái ấm ngoài công lập, cùng các hội, đoàn thể, đơn vị thiện nguyện… để cùng chung tay bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, những ngày qua, câu hỏi đặt ra là những người làm công tác về trẻ em ở TP.HCM đã nỗ lực nhiều đến vậy nhưng tại sao sự việc đau lòng ở Mái ấm Hoa Hồng (Q.12) vẫn xảy ra như loạt bài điều tra Tội ác trong một mái ấm của Báo Thanh Niên đã vạch trần?

Vấn đề xã hội luôn tồn tại, và thực tế vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra chéo, cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất ngoài giờ hành chính để tránh các trường hợp đối phó tinh vi.

Cùng với đó, công việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và kỹ năng chuyên môn cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa thật sự chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực định kỳ và hỗ trợ tâm lý cho những người làm công tác này, và đây là một thách thức mà địa phương phải sớm giải quyết.

Điều này không chỉ để tránh tình trạng các bảo mẫu chịu áp lực công việc quá lớn dẫn đến tiêu cực với các trẻ, mà còn nhắc nhở họ đừng quên tình thương - tiêu chí mà họ đã nghĩ đến đầu tiên khi chọn nghề nghiệp này.

Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm