Trong chuyến công tác tại Gia Lai của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào các dân tộc tỉnh nhà. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Muốn làm được điều này phải đoàn kết các lực lượng. Biện pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề; nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng lao động…
Dân cùng chính quyền nỗ lực xây dựng quê hương kiểu mới
Trước buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng đoàn công tác đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc với trên 450 cử tri các xã: A Dơk, Glar, Ia Băng, Ia Pết, Hnol (huyện Đak Đoa); Ia Phí, Ia Mơ Nông, Ia Ka (huyện Chư Pah) và Nông trường Cao su Hòa Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah; đặc biệt Chủ tịch Quốc hội ân cần thăm hỏi một số gia đình tiêu biểu, gia đình chính sách; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và đời sống tinh thần, vật chất của người dân và vấn đề bảo đảm dân sinh mà Đảng và Nhà nước đầu tư trong nhiều năm qua trên địa bàn 2 huyện Đak Đoa và Chư Pah.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng quà cho cán bộ và nhân dân xã Ia Phí, huyện Chư Pah. Ảnh: Đức Thụy |
Chú trọng giáo dục để đào tạo nguồn lao động trẻ
Sau khi tiếp xúc cử tri ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lấy dân làm chủ thể để xây dựng đất nước, dựa vào dân để xây dựng chính sách, giải pháp kinh tế- xã hội; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đối với đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài sự đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền của tỉnh Gia Lai đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả và giữ vững ổn định quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai trong ngày 17-10, Chủ tịch Quốc hội cũng dành nhiều thời gian phân tích những khó khăn trở ngại ảnh hưởng đến công tác xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đó là trình độ học vấn còn bất cập, công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho đồng bào còn thiếu và yếu; công tác quản lý giáo dục, y tế, văn hóa còn bất cập… Đây là nguyên nhân chính cản trở việc thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Bởi vậy, để phát triển Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần phải khai thác hết tiềm năng dồi dào và lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là cán bộ đảng viên người dân tộc thiểu số mà hiện nay có tỷ lệ quá thấp.
Đồng thời, “dựa vào dân làm nên cơ đồ, làm bật lên sức mạnh của người lao động để người dân thay đổi tập quán làm ăn và làm chủ thể cuộc sống”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Muốn làm được điều này, biện pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo tay nghề, nâng cao dân trí để cải thiện chất lượng lao động. Giáo dục, đào tạo là biện pháp căn bản, lâu dài để tạo bước đột phá cho phát triển, xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp. Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và đề đạt những vấn đề sau chuyến công tác đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII sắp đến.
Văn Nhung- Nguyễn Dung