Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15.3.
Hôm qua (15.2), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế, xã hội.
Hàng không quốc tế đã chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15.2, tạo tiền đề cho du lịch bứt tốc. Ảnh: T.L |
Dỡ bỏ mọi kiểm soát đi lại
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
Để đưa ngành du lịch sớm hồi phục và phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15.3.
Theo phương án này, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ ngày 15.3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.
Du khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh.
Về việc cấp thị thực nhập cảnh, trước đó, Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và miễn thị thực song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng cơ chế miễn thị thực này.
Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất, báo cáo Chính phủ cho phép đến thời điểm ngày 15.3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch Covid-19, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương.
Mới đây, Việt Nam cũng đã dỡ hoàn toàn hạn chế điểm đến, tần suất bay quốc tế từ ngày 15.2. Đây được coi là bước tiền đề quan trọng để ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại từ tháng 3. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành du lịch vẫn đang kỳ vọng sẽ có thông báo thời gian mở cửa chính thức, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để có đủ cơ sở làm việc với các đối tác, xây dựng kế hoạch, tiếp cận thị trường, sẵn sàng trở lại.
Ngành du lịch nóng lòng được tháo bỏ mọi rào cản để mở cửa trở lại từ ngày 15.3. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu |
Du khách phải đóng phí bảo hiểm 30 USD/người
Về điều điện nhập cảnh đối với khách quốc tế đến Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR), với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Bên cạnh đó, phải cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...
"Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc xin vì Việt Nam chưa thực hiện tiêm cho đối tượng này", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân thông tin thêm.
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.
Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Nếu du khách quốc tế dương tính với Covid-19, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.
Theo Hà Mai (TNO)