Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đề xuất TP Thủ Đức là đô thị loại 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị góp ý các đề án liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM vào hôm 19-9.

Thành phố Thủ Đức trong tương lai với tuyến đường trục Xa lộ Hà Nội kết nối giao thương thuận lợi - Ảnh: TỰ TRUNG
Thành phố Thủ Đức trong tương lai với tuyến đường trục Xa lộ Hà Nội kết nối giao thương thuận lợi - Ảnh: TỰ TRUNG
Rất mong các bộ ngành trung ương khuyến nghị cho TP.HCM con đường tốt nhất, ngắn nhất để phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các ý kiến đóng góp của bộ ngành trung ương sẽ là cơ sở để TP hoàn chỉnh đề án tiếp tục trình các cơ quan có thẩm quyền.
Dịp này, giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã trình bày tóm tắt đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có nội dung về TP Thủ Đức.
Hội nghị có đại diện các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM... cùng tham dự.
Sẽ có 8 trung tâm quan trọng
Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết địa bàn TP.HCM có 10/322 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Diện tích TP Thủ Đức hơn 211km2 và dân số là hơn 1 triệu người, có 34 phường trực thuộc.
Theo ông Nhân, đề án thành lập TP Thủ Đức được TP.HCM ấp ủ trong nhiều năm qua, mô hình "thành phố trong thành phố" sẽ giúp nơi đây thành hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để làm được điều đó, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực nổi trội và vị trí địa lý đặc biệt.
Theo đề án tóm tắt, khu vực TP Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm quan trọng là: trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm (quận 2); khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm công nghệ cao (quận 9); trung tâm công nghệ giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM); khu công nghệ sinh thái Tam Đa; khu đô thị tương lai Trường Thọ; khu vực Tam Đa và lân cận ĐH Long Phước - trung tâm công nghệ sinh thái; cảng quốc tế Cát Lái.
TP Thủ Đức là đô thị có tính toàn diện
Ông Trương Văn Lắm, nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết lý do thành lập TP Thủ Đức từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là vì 3 quận này có những lợi thế và đặc điểm khá tương đồng.
Về địa hình, trước đây khu vực này là huyện Thủ Đức, tương đối độc lập về hạ tầng so với khu vực trung tâm. Do đó, xác định đây là địa bàn có thể thành lập một đô thị có tính chất toàn diện, không chỉ là một bộ phận của đô thị.
"Có nhiều thắc mắc tại sao chọn TP Thủ Đức có địa bàn quá rộng, quản lý sẽ khó khăn. Câu trả lời là mô hình quản lý không phải theo số học mà đây là đô thị phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, cách quản lý phải đổi mới. Do đó cần sáp nhập để phát triển nhanh trên cơ sở hiện có" - ông Lắm nói.
Theo ông Lắm, 3 quận thành phần của TP Thủ Đức hiện đã đạt tính chất đô thị - thậm chí còn là nội thị của đô thị loại đặc biệt TP.HCM. Do vậy, đề xuất trước mắt khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ là đô thị loại 1, sau khi hoàn chỉnh đánh giá phân loại sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Góp ý vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM về bản chất cũng là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện.
Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện. TP trực thuộc tỉnh hay TP trực thuộc trung ương cũng là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng quy mô, mức độ đô thị hóa cao hơn cấp quận và thị xã.
Ông Tuấn viện dẫn theo đề án của TP.HCM vẫn coi TP Thủ Đức là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND.
Tuy nhiên, theo đề án không tổ chức HĐND quận, phường thì quận hay thành phố trực thuộc TP.HCM bản chất cũng là đơn vị hành chính cấp huyện. Chỉ khác ở chỗ TP trực thuộc TP thì mức độ đô thị hóa cao hơn rất nhiều.
"Như vậy, có nên tổ chức một cấp chính quyền ở TP Thủ Đức hay là đưa luôn vào thực hiện như đề án không tổ chức HĐND quận, phường?" - ông Tuấn đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này phải thảo luận kỹ để thể hiện sự đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau.
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP và 7% sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước.
Đây là nơi góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vươn ra quốc tế.Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị góp ý các đề án liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM vào hôm 19-9.
MAI HƯƠNG - THẢO LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm