Muôn nẻo tết Việt

Đêm mưu sinh ở chợ hoa Tết: Mong kiếm cho con chiếc áo mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thấp thỏm không thể chợp mắt trong những chiếc chòi tạm bợ giữa sắc hoa rực rỡ, người bán hoa ở TP.Đà Nẵng lo lắng chồng chất vì buôn bán ế ẩm.  Ai nấy đều cầu mong bán hết hoa sớm để kịp về đón giao thừa cùng vợ con.

Người Đà Nẵng thân thiện

0 giờ ngày 28 tháng Chạp, giữa sắc hoa rực rỡ ở Quảng trường 29 tháng 3 (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) người bán hoa ngã lưng trên tấm bìa carton ẩm ướt hơi sương. Họ đều chung một tâm trạng thấp thỏm không thể ngủ được vì lo lắng giao thừa đã cận kề nhưng buôn bán quá ế ẩm, hoa còn đầy bãi.

Tỉ mẩn dọn hoa, cây cảnh vào bên trong khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới, anh Huỳnh Tấn Sang (43 tuổi, quê TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) hướng ánh mắt theo ánh đèn xe lưu thông trên đường 2 tháng 9 (Q.Hải Châu), mong chờ những vị khách muộn lúc nửa đêm… vì đây là lần đầu anh Sang đặt chân đến Đà Nẵng buôn bán hoa Tết.


 

Anh Huỳnh Tấn Sang (quê Phú Yên) lần đầu đến TP.Đà Nẵng bán hoa Tết. Ảnh: Huy Đạt


Theo anh Sang, nhiều năm qua gia đình anh chủ yếu chuyển hoa từ quê nhà Phú Yên đến bán ở tỉnh Đăk Lăk, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát mấy năm qua khiến việc kinh doanh hoa Tết của anh tại các tỉnh Tây Nguyên gặp thua lỗ. Được một người bạn giúp đỡ thuê bãi bán hoa tại Quảng trường 29 tháng 3 (TP.Đà Nẵng) nên năm nay gia đình anh Sang quyết định “đổi gió”, đặt chân đến thành phố biển với mong muốn kiếm cho các con một chiếc áo mới ngày Tết.

“Dịch bệnh dẫn đến khó khăn chung, mấy năm rồi thua lỗ nên tìm ra Đà Nẵng mong buôn bán khởi sắc hơn. Tuy nhiên những ngày qua buôn bán chậm lắm. Thế nhưng ở đây mấy hôm tôi cảm nhận được người Đà Nẵng thân thiện, người bán hoa kế bên nghe tôi lần đầu ra đây bán hoa họ cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi nhiều lắm”, anh Sang nói.


 

Người dân mua hoa đào ở chợ hoa Tết Đà Nẵng lúc đêm muộn. Ảnh: Huy Đạt


Sau một hồi quần quật dọn hoa vào bên trong, nơi nghỉ ngơi qua đêm của anh Sang là chiếc lều dựng tạm giữa những chậu cây cảnh. Ngồi bệt xuống miếng bìa carton, anh Sang cho biết với nghề buôn bán hoa Tết đã nhiều năm rồi anh Sang chưa được đón giao thừa cùng vợ con. Cứ đến thời điểm sắp chuyển giao năm mới, nhìn dòng người hối hả quay về mái ấm để kịp sum vầy bên nhau trong thời khắc thiêng liêng khiến anh Sang nghẹn ngào.

“Lâu rồi chưa được ôm các con thời khắc giao thừa, lòng cũng buồn lắm chứ. Có năm vừa dọn rác trả bãi bán cho địa phương, vừa nghẹn ngào, vừa nhớ vợ con”, anh Sang tâm sự.

 

Chiếc lều dựng tạm và tấm bìa carton là nơi ngã lưng của anh Sang sau một ngày buôn bán vất vả tại chợ hoa Tết Đà Nẵng. Ảnh: Huy Đạt


Theo anh Sang, lần đầu đến TP.Đà Nẵng bán hoa, anh chỉ chọn mang hơn 100 chậu hoa có dáng đẹp, độc đáo để bày bán. Chi phí vận chuyển từ quê nhà Phú Yên ra Đà Nẵng tốn hơn 20 triệu đồng.

“Hy vọng 2 ngày cuối năm bán đắt khách hơn để kiếm chút tiền về đón Tết cùng gia đình; mua thêm cho các con vài bộ áo quần mới”, anh Sang nói.

Đêm buông xuống, tiểu thương lại “đau tim”

Thời khắc giao thừa Nhâm Dần cận kề, cứ mỗi đêm trôi qua nỗi lo lắng của người bán hoa lại càng thêm nặng trĩu khi thời tiết nắng gắt khiến hoa mai nở rộ, nhiều tiểu thương quê Bình Định đã chuẩn bị tâm thế mang hoa về lại nhà vườn.

Anh Đinh Công Sinh (quê tỉnh Bình Định) cho biết, dù hoa vẫn giữ giá nhưng năm nay sức mua giảm mạnh khiến đa số tiểu thương lâm cảnh ế ẩm triền miên. “Chợ hoa Tết Đà Nẵng năm nay đa phần người dân chỉ đến xem, chụp ảnh chứ ít mua. Chắc là do dịch bệnh ai nấy đều khó khăn…”, anh Sinh nói.

Tại chợ hoa Tết Đà Nẵng, giá hoa mai giao động từ 1,2 triệu đến 5 triệu đồng/cây, cúc đại đóa từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/cặp, quất cảnh từ 800 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/chậu.

Mừng rỡ đón cặp vợ chồng mua chậu quất cảnh lúc đêm muộn với giá 1,5 triệu đồng, anh Lê Thông (nhà vườn Lê Trung, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) thở phào cho biết: “Nghề làm vườn lắm công phu, cả năm quanh quẩn ở vườn rồi đến Tết lại lo lắng đủ điều. Bán được cây quất nào là mừng cây đó, theo thói quen cứ bán xong là tôi lại đi 1 vòng để kiểm đếm, mấy ngày nay ế ẩm nên đêm đến là “đau tim” lắm...”.

 

Khách hàng đến mua quất cảnh vào ban đêm kỹ lưỡng mang đèn pin để soi chọn lựa. Ảnh: Huy Đạt


Rạng sáng, giữa gió lạnh hơi sương cuốn theo ngào ngạt hương hoa, anh Thông chui vào chiếc lều tạm bợ tránh gió. Chỉ tay về số chậu quất "khủng", anh Thông cho biết năm nào cũng vậy nhà vườn sẵn sàng “bật chế độ” cho thuê quất kiểng trong trường hợp không bán được trước giao thừa, chỉ khi không có ai thuê mới tập kết lên xe chở về vườn. Đối tượng thuê thường là các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều người dân chưa mua được chậu cây ưng ý.
 

Anh Thông ngồi trong lều tránh sương lạnh lúc rạng sáng 28 tháng Chạp. Ảnh: Huy Đạt


Với tiểu thương mưu sinh ở chợ hoa Tết, khi khăn gói từ quê nhà ra thành phố họ đối mặt với chuỗi ngày ăn cơm chan sương. Tuy nhiên với họ “nghề là nghiệp”, mặc dù vất vả nhưng niềm vui lớn nhất với người làm vườn là chăm sóc được những chậu cây cảnh đẹp mắt bán dịp Tết cũng là gửi gắm điều may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Đêm mưu sinh ở chợ hoa Tết: Mong kiếm cho con chiếc áo mới - ảnh 6


 

AnhThông (trái) đang vận chuyển quất cảnh lên xe vận chuyển đến tận nhà cho khách lúc nửa đêm. Ảnh: Huy Đạt


Theo lời anh Thông, thời tiết năm nay không mưa, lạnh nên việc ăn, ngủ ngoài đường đỡ khổ sở hơn mọi năm. Để mưu sinh kiếm tiền dịp tết người bán hoa ngoài thấp thỏm lo lắng, họ đã đánh đổi cả sức khỏe.

“Có năm mưa lạnh, sau cả tuần lễ phơi nắng, dầm sương bán hoa ở Đà Nẵng xong về nhà đón Tết mà đau sốt bầm dập luôn. Nhưng nghề là nghiệp mà, theo thì theo đến cùng. Cái nghề này vui nhất là khi thấy người dân tấp nập đi chợ hoa, ai nấy đều vui tươi ngày xuân”, anh Thông cười.

 

Theo Huy Đạt (TNO)

Có thể bạn quan tâm