Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Đêm nhạc "17 Năm Nhớ Trịnh" ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 17 năm sau khi Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, âm nhạc của ông vẫn hiện hữu trong lòng người yêu nhạc Việt. Chính chất âm nhạc thuần khiết, mộc mạc nhưng sang trọng, đậm chất tự sự của Trịnh Công Sơn đã làm rung động bao trái tim của người yêu nhạc. Hằng năm, tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa này, tại Pleiku, các chương trình ca nhạc thường xuyên được tổ chức.

Người trẻ mê nhạc Trịnh

Mỗi người yêu nhạc Trịnh đều có những lý do riêng để duy trì tình yêu của họ. Và với những người trẻ cũng thế. Những bài hát của Trịnh Công Sơn vang lên âm hưởng về tình yêu cuộc sống, yêu đời và yêu người. Âm nhạc của Trịnh luôn phá tan mọi khoảng cách giữa người và người, để cùng nhau đắm mình trong không gian âm nhạc lắng đọng, trong trẻo. Vậy mới thấy, nhạc Trịnh không chỉ tạo sức hút với thế hệ cao niên, trung niên mà cả với các bạn trẻ.

.Ngọc Bích thường tới quán cá phê quen thuộc để lắng lòng mình cùng những ca khúc của Trịnh.
Ngọc Bích thường tới quán cá phê quen thuộc để lắng lòng mình cùng những ca khúc của Trịnh. Ảnh: Trần Dung

“Mình từng nghĩ, những ca khúc của Trịnh buồn lắm, triết lý lắm và cũng khó hiểu lắm. Nhưng khi trưởng thành, mình nghe và cảm nhận, tất cả các ca từ của cố nhạc sĩ này luôn gắn liền với mọi cung bậc của cuộc sống. Nghe nhạc Trịnh lắng đọng vô cùng”- chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) chia sẻ. Ngọc Bích vốn là một cô giáo dạy thanh nhạc nên cô dễ dàng nắm bắt được cảm xúc trong nhạc Trịnh. Cô “phải lòng” nhạc Trịnh từ khi bắt gặp ca khúc Biển nhớ. “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng. Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương…”, với cảm nhận của riêng Bích, nhạc Trịnh mang lại cho cô những phút giây bình yên và thư giãn thực sự trong cuộc sống. “Nhiều lúc mệt mỏi và có nhiều điều phải suy nghĩ, chỉ có nhạc Trịnh mới hiểu hết lòng mình. Mình thường lui tới những quán cá phê quen thuộc để lắng lòng mình cùng những ca khúc của Trịnh”- chị Bích chia sẻ thêm.

Cùng sở thích với Ngọc Bích, bạn Phan Minh Quân (sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) cũng là một fan của nhạc Trịnh. Quân say mê những giai điệu trầm lắng trong “Diễm Xưa”, lúc lại đầy cảm xúc trong ca khúc “Huyền Thoại Mẹ”, rồi lâng lâng khi các giai điệu của ca khúc “Hạ Trắng” cất lên. “Mình yêu nhạc Trịnh từ những năm còn học THPT. Bạn bè thường bảo mình già trước tuổi. Nhưng mình nghĩ, nhạc Trịnh không hề phân biệt tuổi tác. Tất cả là do ở cách cảm nhận của riêng mội người mà thôi. Hàng năm, cứ tới ngày giỗ Trịnh, mình cùng nhóm bạn tới các tụ điểm mà Hội quán Trịnh tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ ông để cùng hòa mình vào không gian đầy cảm xúc”- Minh Quân tâm sự.

17 Năm Nhớ Trịnh

Nhân kỷ niệm 17 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2001 - 1-4-2018), tại TP. Pleiku, Hội quán Trịnh Pleiku sẽ tổ chức đêm nhạc với chủ đề “17 Năm Nhớ Trịnh” tại quán cafe Thủy Tạ trong hồ Đức An vào đêm 1-4-2018. Đêm nhạc nhằm tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa từng viết nên những giai điệu đẹp làm mê đắm trái tim nhiều người yêu nhạc. Anh Phan Duy Hảo (thành viên Hội quán Trịnh Pleiku) cho biết:17 năm sau ngày ông giã từ cõi tạm này, mọi thứ liên quan đến ông vẫn luôn hiện diện trong lòng người yêu nhạc Việt. Đây là năm thứ 4 Hội quán Trịnh Pleiku tổ chức đêm nhạc Trịnh giữa lòng thành phố Pleiku. Những ca sĩ cùng với người yêu nhạc Trịnh có thể đăng ký tham gia trình bày các ca khúc gắn liền với tên tuổi một thời của cố nhạc sĩ như: Quỳnh hương, Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ Trắng, Một cõi đi về…”.  Có thể nói, đêm nhạc “17 Năm Nhớ Trịnhnhư tiếng lòng của những người yêu Trịnh.

Hội quán Trịnh như đứa con tinh thần của ông Nguyễn Văn Tâm.
Hội quán Trịnh Pleiku như đứa con tinh thần của ông Nguyễn Văn Tâm. Ảnh: Trần Dung

Là một trong những người đam mê nhạc Trịnh từ trong máu thịt, nhạc công Saxophne Nguyễn Thái Bình (làng Ia Kalai, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) luôn có mặt trong những đêm nhạc mà Hội quán Trịnh Pleiku tổ chức. Anh cho rằng: “Nhạc Trịnh chẳng khác gì một người bạn, là bạn của tất cả trái tim, đặc biệt những trái tim đau đớn, mất mát và tuyệt vọng. Khi học về kèn Saxophne và được thể hiện những tác phẩm của ông qua nhạc cụ này, tôi càng cảm nhận được sâu sắc hơn về âm nhạc của Trịnh”. Vì thế, những đêm nhạc Trịnh luôn mang đến cho người nhạc công này những cảm xúc tận cùng bằng ca từ và giai điệu của dòng nhạc mà anh yêu mến. Theo anh Bình, trong đêm nhạc “17 Năm Nhớ Trịnhanh đăng ký biểu diễn nhạc phẩm “Một cõi đi về” bằng tiếng kèn Saxophone của mình, như một lời tri ân cố nhạc sĩ cũng như những người ái mộ Trịnh.

Với những người không thể về tham gia đêm nhạc “17 Năm Nhớ Trịnhtại Pleiku như ông Nguyễn Văn Tâm (67 tuổi) thì đây quả là một điều tiếc nuối. Là người sáng lập ra Hội quán Trịnh Pleiku nên ông xem Hội quán như đứa con tinh thần của mình. “Dịp này tôi đi Tp.Hồ Chí Minh dự đêm “Thức cùng Trịnh” tại nghĩa trang Gò Dưa vào đêm 1-4. Tôi biết và hát nhạc Trịnh từ thập niên 70. Tôi biết nhạc thì nhiều, tuy thế dòng nhạc Trịnh trong tôi vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn dòng nhạc khác. Còn giải thích vì sao thì có lẽ khó trả lời. Đã có rất nhiều người nói, ca từ Trịnh khó hiểu. Đúng rất khó hiểu, phải nghe nhiều và tự nó thấm dần thôi. Không ai giải thích được đâu. Mong rằng, anh em trong Hội quán Trịnh sẽ thành công trong đêm nhạc sắp tới”- ông Tâm trầm ngâm chia sẻ.

Ông Tâm với tủ sách về Trịnh Công Sơn.
Ông Tâm với tủ sách về Trịnh Công Sơn. Ảnh: Trần Dung

Người yêu nhạc Trịnh tìm thấy chính mình trong những ca khúc của ông. Bởi thế, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mãi ở trong nỗi nhớ của hàng triệu người yêu nhạc Trịnh.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm