Mỗi lần thăm viếng Di tích lịch sử Cách mạng Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum là một lần tôi chìm đắm trong từng dấu tích mang trong mình những câu chuyện về ngày tháng gian khổ mà tự hào nơi căn cứ địa.
Sáng cuối năm, thời tiết ở trung tâm huyện Tu Mơ Rông khá đẹp, nắng hanh hao, có gió nhẹ và hơi se se lạnh. Suốt chặng đường gần 30km từ trung tâm huyện vào xã Măng Ri, tôi cứ tấm tắc vì nắng nhẹ gió mát.
Nhưng khi từ xã vào Khu căn cứ thì bắt đầu lạnh run người. Đến đoạn đường lên Khu căn cứ, chúng tôi gặp rắc rối lớn về phương tiện. Chiếc xe một cầu của chúng tôi không thể “bò” lên dốc, dù đã được đổ bê tông.
Trong khi chúng tôi đang tính cầu cứu huyện thì may mắn sao gặp người quen- kỹ sư Nguyễn Hữu Vinh chạy xe bán tải qua. Càng may mắn hơn khi doanh nghiệp của anh (Công ty TNHH Nguyên Khoa) lại là đơn vị tư vấn của dự án Tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ. Thế là anh bị chúng tôi “bắt cóc” luôn.
Xe chạy trên mặt đường bê tông mờ mịt sương núi, tôi cố gắng tìm lại chút ký ức cũ của chuyến Về nguồn do Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức cách đây gần 20 năm, nhưng chịu.
Cũng phải thôi, ngày ấy chạy xe máy, rồi đi bộ vạch lá vịn cây mà leo mấy tiếng đồng hồ. Sau này, dù đã có sự đầu tư, nhưng để lên đến nơi vẫn phải leo qua những bậc xi măng cao hun hút, đủ để thử thách sức bền của bất cứ ai. Bây giờ còn được ngồi trên xe chạy vèo vèo.
Đến nơi, mình tôi lặng lẽ dạo bước dưới tán rừng. Xa xa, tiếng suối Đăk Y Hai ào ạt chảy, như đang thì thầm về những tháng ngày gian lao mà anh dũng của cha anh.
Hơi sương còn thấm đẫm trên đất, trên cây cỏ. Lạnh tê tái. Gió ngàn quấn quýt trên những tầng cây. Ngắm những căn lán, tôi tưởng tượng ra chiến khu xưa với những con đường mòn giữa các khu rừng rậm rạp của đại ngàn Trường Sơn chạy ngoằn ngoèo các hướng Bắc-Nam, Đông-Tây.
Địa thế này vừa tiện lợi cho việc tiến thoái, tiếp tế lương thực, đạn dược. Và đặc biệt là che mắt được kẻ địch dòm ngó, đảm bảo an toàn khu cho bộ máy lãnh đạo của tỉnh hoạt động thời chiến.
Theo Hồ sơ di tích, vào tháng 8/1959, khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn cam go nhất, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam sát hại đồng bào và chiến sĩ cách mạng, Ban cán sự Tỉnh ủy Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn, đầu sỏ.
Qua khảo sát, Ban cán sự Tỉnh ủy đã quyết định chọn địa điểm suối Đăk Y Hai thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động. Đây là địa bàn có địa hình vô cùng hiểm trở nhưng kín đáo. Vừa có giá trị về chiến lược, được bao bọc bởi núi cao và suối sâu, vừa có đủ điều kiện để tổ chức tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho quá trình hoạt động cách mạng lâu dài.
Đặc biệt, cán bộ ta ở Khu căn cứ được đồng bào dân tộc Xơ Đăng hết mực yêu thương, che chở, bảo vệ, đảm bảo an toàn các hoạt động. Trong một lần trở lại thăm Khu căn cứ, bác Phạm Trọng (Nhớ) - Phó Bí thư Tỉnh ủy những năm 1968-1971, đã xúc động nhắc: Suốt thời gian chúng tôi sống và làm việc ở Khu căn cứ Tỉnh ủy đã được nhân dân địa phương che giấu, bao bọc. Chúng tôi không bao giờ quên ơn đồng bào Măng Ri.
Đồng thời, đây cũng là địa bàn tiếp giáp với các khu căn cứ H40, H30 (huyện Đăk Glei) ở phía Tây Bắc; H29 (huyện Kon Plông), H16 (huyện Kon Rẫy) ở phía Đông và H80 (huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô) đến H67 (huyện Sa Thầy) ở phía Tây Nam.
Mặt khác, đây là nơi Tỉnh ủy có thể giữ liên lạc, kịp thời nhận ý kiến chỉ đạo của Liên Khu ủy khu V ở phía Bắc và kết nối với phong trào cách mạng của cả nước thông qua tuyến hành lang kháng chiến Bắc-Nam.
Để ổn định hoạt động, Ban cán sự tỉnh đã xây dựng các phòng ban làm việc bằng những vật liệu thô sơ như tranh tre, gỗ; hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn bao bọc xung quanh khu làm việc theo một hệ thống liên hoàn, khép kín, trải dài từ Bắc xuống Nam dọc theo triền đồi ở độ cao hơn 1.922m nằm trong lòng 2 dòng suối Đăk Y Hai lớn và Đăk Y Hai nhỏ.
Việc di dời và xây dựng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri là quyết định vô cùng sáng suốt, mang tầm chiến lược sâu sắc của các bậc tiền bối, đưa nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Tại đây, Tỉnh ủy Kon Tum đã đứng chân, hoạt động trong suốt hơn 12 năm (từ cuối năm 1959 đến năm 1972); tổ chức thành công 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (Đại hội lần thứ I-năm 1960; Đại hội lần thứ II-năm 1965; Đại hội lần thứ III-năm 1968; Đại hội lần thứ IV-năm 1971) để đề ra các chiến lược quan trọng lãnh đạo cuộc cách mạng của quân và dân tỉnh Kon Tum.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân và nhân dân tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực, bội đội địa phương liên tục tiến công, góp phần đánh bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ ngụy trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Lịch sử mãi khắc ghi những thắng lợi tiêu biểu như: Giành quyền làm chủ nông thôn (tháng 10/1960); Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968); chiến dịch Xuân-Hè, giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh (tháng 4/1972) tiến tới giải phóng tỉnh Kon Tum tháng 3/1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong thời gian qua, Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã được quan tâm trùng tu, sửa chữa. Trong đó, năm 2011, Dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích được triển khai nhằm trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ “Về nguồn” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhưng theo thời gian, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được tu bổ, tôn tạo, đảm bảo xứng tầm với giá trị và ý nghĩa lịch sử. Vì vậy, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư Dự án tôn tạo, phục dựng, sửa chữa, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng.
Là người trực tiếp tham gia các đợt khảo sát, lập hồ sơ tôn tạo Khu căn cứ Tỉnh ủy, kỹ sư Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ: Với trách nhiệm trước các bậc tiền bối cách mạng, với nhân dân, cam kết với lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công đã khắc phục mọi khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết để triển khai các hạng mục bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Các hạng mục như Nhà bia, nhà đón tiếp - nhà quản lý, nhà điện đài, nhà ban cơ yếu, văn phòng và phòng làm việc, bếp hoàng cầm đều được phục dựng theo tiến độ yêu cầu.
Trong quá trình thi công luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, kiểm tra trực tiếp và sâu sát của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và chủ đầu tư. Đặc biệt, nhiều vị cán bộ lãnh đạo cách mạng từng sống ở Khu căn cứ này đã trực tiếp đi thực địa để góp ý kiến.
Nguyên vật liệu cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, vừa đáp ứng yêu cầu bền vững trước thời tiết khắc nghiệt, vừa thỏa mãn yêu cầu tiếp cận nguyên trạng nhất. Vì vậy, tất cả các hạng mục được phục dựng đều đảm bảo các yếu tố lịch sử- kỹ sư Nguyễn Hữu Vinh khẳng định.
Tôi men theo những lối đi lát bằng những tấm bê tông rợp bóng cây rừng dẫn đến từng căn lán. Điện lưới đã được kéo về tận Khu căn cứ. Mọi người kể lại, khi đêm xuống, núi rừng sáng bừng ánh điện, xua đi phần nào hơi lạnh của núi rừng.
Đứng trước nhà ban cơ yếu, tôi như nghe đâu đây tiếng gõ máy chữ lách tách vọng lại. Phía bên kia là Nhà bia, được xây dựng trên một gò đất cao, cổ thụ tỏa bóng. Trong xa xăm tưởng như có những tiếng rì rầm bàn việc cách mạng của các bậc tiền bối.
Cái gì rồi cũng dễ đổi thay với thời gian, nhưng mỗi dòng sông, ngọn núi nơi đây vẫn sẽ giữ mãi những dấu ấn khó phai mờ về một địa danh lịch sử, nơi nuôi chí chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, nơi đặt “trái tim và khối óc” lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bền gan đánh giặc.
Tôi tin rằng nếu những cán bộ lão thành cách mạng từng “nằm gai nếm mật” nơi này trở lại thăm Khu căn cứ hôm nay, hẳn sẽ rất vui khi chứng kiến Khu căn cứ được quan tâm đầu tư tôn tạo, phục hồi, xây dựng.
Điều họ gửi lại nơi đây đâu chỉ là ký ức? Đó còn là ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất; là mồ hôi và máu; là trí tuệ của những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Và vì vậy, nhiều năm qua, Di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum là niềm tự hào của đất và người Kon Tum, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, là địa chỉ về nguồn của bao thế hệ trẻ.
Họ đi để biết, đến để nhớ về một thời cha ông đã sống và chiến đấu!
Tất nhiên, để phát huy hiệu quả giá trị của Di tích còn nhiều việc phải làm. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cần chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt về nguồn; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích.
Từ đó mỗi người cảm nhận được quá trình đấu tranh gian lao anh dũng của các thế hệ đi trước; thấy được giá trị và ý nghĩa của hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Và hơn thế, thấy được trách nhiệm kế thừa và tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức, nỗ lực phấn đấu trong công tác, lao động, học tập, nâng cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, cùng hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Theo THÀNH HƯNG (baokontum.com.vn)