Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây khoảng 7,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (trong đó có 2,2 triệu m2 tồn đọng từ giai đoạn 2016-2020), tương ứng với số vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.
 
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội thì đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 62 dự án (gồm 59 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà ở xã hội), đạt khoảng 4,04 triệu m2 sàn.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ tính năm 2020, trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 sàn tương ứng 5.348 căn hộ; hoàn thành 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn, 53.644 căn hộ; hoàn thành 5 dự án nhà tái định cư tương ứng 154.270m2 sàn, 1.723 căn hộ.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư là 2.876 căn hộ, số căn hộ đã thu hồi là 2.474 căn; ban hành quyết định chủ trương đầu tư 07 dự án nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2020 và hiện đang trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trương xây dựng Chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2057."
Đề cập đến Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thành phố cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở cho công nhân).
Như vậy, đến năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (trong đó có 2,2 triệu m2 tồn đọng từ giai đoạn 2016-2020), tương ứng với số vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Chu Nguyên Thành, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Hà Nội, một trong các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở xã hội đó là khó khăn về nguồn vốn.
Vì vậy, căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện dự án, tiến tới thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội vào danh mục lĩnh vực đầu tư ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 và là đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố.
Ông Chu Nguyên Thành cho rằng, nguồn vốn của Quỹ thực hiện vai trò vốn "mồi", chiếm khoảng 20-30% tổng mức đầu tư của dự án; đồng thời, kêu gọi các nguồn vốn khác từ các ngân hàng thương mại chiếm khoảng 50-60% tổng mức đầu tư thông qua hình thức cho vay hợp vốn.
Từ năm 2017 đến nay, Quỹ đã giải quyết cho vay 04 dự án; trong đó có 2 dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư và 2 dự án nhà xã hội với tổng quy mô 3.450 căn và tổng hạn mức cho vay 850 tỷ đồng.
 
Khu nhà ở xã hội tại Xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Khu nhà ở xã hội tại Xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hiện, Quỹ tiếp tục hướng dẫn, thẩm tra cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, dự kiến năm 2021 sẽ giải quyết cho vay khoảng 600 tỷ đồng.
Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Hà Nội khẳng định, Quỹ sẽ chủ động tiếp cận, làm việc với các chủ đầu tư để tìm hiểu nhu cầu, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, rút gọn quy trình và thời gian thẩm tra, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội đúng tiến độ...
Được biết, cuối năm 2020, Công ty Cổ phần Him lam Thủ đô đã phối hợp với Công ty Cổ phần BIC Việt Nam động thổ triển khai xây dựng đấu nối hạ tầng dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (Rice City Long Biên tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Rice City Long Biên được coi là dự án trọng điểm mà Công ty Cổ phần BIC Việt Nam dự kiến triển khai xây dựng vào quý 1/2021.
Rice City Long Biên bao gồm một toà tháp đôi CT1 với 2 khối tháp liên thông có tổng số 600 căn hộ, toà nhà cao 22 tầng với 3 tầng hầm, 2 tầng thương mại dịch vụ, kết hợp cùng nhiều tiện ích và cơ sở hạ tầng đầy đủ, công năng tương đương các sản phẩm nhà ở thương mại trong khu vực.
Chủ đầu tư dự án dự kiến đăng ký công bố thông tin rộng rãi tới người dân để nộp hồ sơ vào quý I này và hoàn thành xây dựng đưa công trình vào sử dụng vào năm 2023.
Còn tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, cũng trong năm nay, Liên danh chủ đầu tư NHS (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng số 4) sẽ khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội Trung Văn-Tố Hữu. Dự án có tổng diện tích đất 2,726,1 m2 tại ô đất HH-02A Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn.
Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn, chưa thể đáp ứng hết được mong muốn của người dân có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án nhà ở xã hội đang bị "ế" vẫn đang diễn ra mặc dù đã mở bán từ nhiều năm nay.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được hạ tầng đi kèm, mặt khác do giá bán nhà ở xã hội được khống chế nên chủ đầu tư buộc phải chọn ở những vùng xa trung tâm để xây dựng dự án dẫn đến không thuận tiện cho việc đi lại nên nhu cầu mua rất ít.
Trong khi đó, tình trạng "lệch pha" về cơ cấu sản phẩm giữa giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp diễn với mức chênh lệch được kéo rộng hơn, bởi trong số 1.603.007m2 sàn nhà ở được Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận đủ điều kiện bán hàng trong tương lai đa phần là thuộc các dự án nhà ở thương mại.
Cũng theo ông Đính, lượng cung mới từ các dự án tại Hà Nội rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân, do vậy, tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2021.
Thực tế cho thấy, nhu cầu sở hữu các căn hộ giá rẻ rất lớn nhưng nguồn cung sản phẩm vẫn còn có những hạn chế nhất định. Để giải bài toán phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án dang dở. Tập trung triển khai xây dựng năm dự án khu nhà ở xã hội tập trung đã được phê duyệt.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hỗ trợ người mua nhà; đồng thời xem xét cắt giảm các điều kiện, thủ tục đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xã hội tiếp cận, ổn định cuộc sống.
Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm