Du lịch

Dệt mộng Hoài Phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tâm hồn phố cũng chừng chưng cất lại
Tự bao đời đâu dễ gọi thành tên...(*)


(GLO)- Đây là lần đầu tiên tôi tới Hội An, trong ấn tượng ban đầu, nơi này khiến ta nhung nhớ sâu sắc có lẽ là nhờ vào vẻ trầm mặc với những mảng tường rêu phong phủ kín, giàn hoa giấy thắm hồng dưới cái nắng thanh tân thật thà và nhịp sống chậm của người dân đôn hậu, chất phác. Thế nhưng khi đứng trước con phố cũ đã từng là thương cảng nổi tiếng trong những thế kỷ đầy phong ba bão táp, một thoáng bâng khuâng kỳ lạ lại gợn lên. Là cảm giác được trở về nhà.

Cất chứa cả 2 nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, lại cũng gắn liền lịch sử với sự kiện chia cắt đôi miền thuở Nguyễn Hoàng thiên di vào Nam, giấu mình sau một dải đất nằm sau chốn mà Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng buông lời sấm truyền: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, được mở rộng thành thương cảng giao lưu buôn bán, Hội An đã tao ngộ muôn vàn chuyến tàu tới từ Nhật Bản, Trung Hoa, Xiêm, Campuchia… Địa danh này cũng chứng kiến biết bao câu chuyện của những đất nước xa lạ, nhân vật xa lạ, dùng dòng nước ngọt sông Hoài nuôi dưỡng họ, che chở một cách bao dung, tựa tấm lòng mẹ, mà cũng như tấm lòng của đức Phật độ lượng hải hà.

 

Phố cổ Hội An. Ảnh: K.N.B

Bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời, mây trời thổi mãi màu lịch sử đã cuộn phủ lên mảnh đất phương Nam này biết bao cơn phẫn nộ, Hội An dần mất đi vị thế hô mưa gọi gió của mình, rút lui khỏi vũ đài, cơ hồ một mệnh hồng nhan đến hồi phai tàn, nếm đủ nhân tình ấm lạnh, trầm mặc giữ lấy sự thong thả an bình.

Trăng tỏa sáng trên cao không đấu lại được muôn tía nghìn hồng của những chiếc đèn lồng đủ màu sắc treo dọc các con đường. Từ bốn phương tụ về, người người qua lại như nước chảy, trong đó có khách du lịch nước ngoài háo hức khám phá nét văn hóa mới, có các phật tử giữ mình trong những bộ quần áo nâu sồng chầm chậm dạo bước, có trẻ em vui thú náo nhiệt, lại có những cặp tình nhân trẻ tuổi yêu thích sự phồn hoa tươi đẹp với ánh hồng rạng ngời trên khuôn mặt non màu thanh xuân. Cứ vậy, dòng người ruổi rong theo các ngõ nhỏ, hoặc chụp lại khoảnh khắc đèn hoa rợp trời; hoặc xem thăm các món đồ thủ công, mua một chiếc khăn lụa, một tấm bưu thiếp, một chú tò he đất nung về làm kỷ niệm; hoặc ngồi tràn bên hè phố thưởng thức những tào phớ hoa bưởi, chè sen thanh mát; hoặc ghé vào một quán ăn nào đó nếm món cao lầu và cơm gà nổi tiếng.

Đi ngang qua những mái ngói rạn vết thời gian, những bức tường xuống màu gạch kín xanh rêu nõn, trước mắt đã là chùa Cầu cùng cặp tượng chó và khỉ đứng đợi, rẽ trái để xuôi xuống nơi thả đèn, khó khăn lắm mới lách được khỏi đám đông để ngắm dòng sông Hoài xinh hiền tựa thiếu nữ e lệ trước người tình.

Trên đường, những cô bé, cậu bé bán đèn với gương mặt sạm nắng và nụ cười tươi rói mời chào. Tôi bèn mua 3 chiếc hoa đăng, dùng một cái cần dài có móc tròn từ từ trả tự do cho chúng. Người ngắm nước, nước trông người, gợn sóng. Muôn tía nghìn hồng thắp sáng, phản chiếu trên mặt sông Hoài.

Sông đưa mắt nhìn khách lạ lúng liếng tình tứ đầy trìu mến, để họ thả xuống trăm ngàn đóa hoa thắp rực. Chùa Cầu lợp ngói âm dương soi mình trên dòng lưu thủy, gió thổi nhẹ, tại một con thuyền dập dềnh giữa sóng, vị thiền sư xếp bằng chắp tay niệm Phật. Nước se sẽ vỗ thân hoa đăng như bàn tay người mẹ, nâng lời cầu nguyện tới với thần linh.

Chớp mắt đã quá 10 giờ đêm, chúng tôi chỉ còn lưu lại đất này một đêm nay nữa thôi, sáng mai mọi người sẽ lại lên đường trở về. Đến lúc phải đi rồi. Một chút tiếc nhớ dâng trào, vụt hóa thành nỗi lưu luyến không tên. Nhưng, mọi chuyện trên đời đều có duyên phận, con phố này có lẽ đã từng là chốn về của tôi, chốn đi của bạn. Vì vậy dù cho có lưu lạc muôn phương, trải qua muôn kiếp luân hồi, thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ trở lại nơi này, cùng dệt lại một khoảng thời gian trong khiết như sen.

Phạm Thúy Quỳnh

-------------------

(*) Hai câu thơ trong bài “Hội An, một lần tôi đến” của Bằng Việt.

Có thể bạn quan tâm