Hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) đang đối mặt với nguy cơ thất thu lớn vì bị huyện “ép” chuyển vào chợ mới khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Hơn 3 năm nay, những tiểu thương kinh doanh ở chợ tạm Phú Túc vẫn đợi chờ ngày chợ mới hoàn thành để quay về. Chỉ có điều, việc phải dời chợ tạm về chợ mới ngay sát thềm Tết Nguyên đán thì chẳng ai mong muốn.
Tiểu thương khốn đốn
Như tất cả những tiểu thương đang kinh doanh ở chợ tạm Phú Túc, từ nửa tháng nay, chị Đặng Thị Nhân, chủ một sạp tạp hóa lo đứng lo ngồi khi hay tin UBND huyện buộc các hộ kinh doanh phải chuyển vào chợ mới ngay trước Tết Nguyên đán. Lo là phải bởi những người buôn bán như chị Nhân đã quá hiểu những khó khăn gặp phải mỗi lần di dời địa điểm buôn bán.
Các hộ kinh doanh ở chợ tạm đang lo lắng trước ngày phải di dời. Ảnh: T.D |
“Tháng Tết buôn bán bao giờ cũng gấp 3-4 lần tháng thường. Giờ mà chuyển chợ thì nội việc ổn định chỗ ngồi cũng đã mệt rồi nói gì chuyện buôn với bán”-chị Nhân ngao ngán.
Nếu như chị Nhân còn có chỗ mà buôn bán ở chợ mới do đã đấu giá được một lô trong khu nhà lồng thì chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một hộ kinh doanh mặt hàng sách, xe đạp, dụng cụ lao động lại đang lo lắng không biết sẽ chuyển đi đâu nếu phải rời chợ tạm. Theo chị Phượng cho biết, ngày 5-1-2011, vợ chồng chị đã tham gia đấu giá một lô đất trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc quản lý của chợ Phú Túc) với giá 105 triệu đồng nhưng đến 18-1, vẫn chưa được giao mặt bằng. Chị Phượng bức xúc: “Tôi hỏi Ban quản lý chợ thì họ nói lên gặp Phòng Tài chính- Kế hoạch. Lên Phòng Tài chính- Kế hoạch thì được trả lời là… không biết”.
Cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu nếu buộc phải rời chợ tạm là trường hợp gia đình anh Mai Ngọc Hạnh. Tháng 3-2010, khi chợ tạm bị cháy, toàn bộ quầy hàng khô trị giá gần 200 triệu đồng của vợ chồng anh Hạnh đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Sau đó, phải nhờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, vợ chồng anh mới có chút vốn buôn bán trở lại. Tuy nhiên, khi huyện tổ chức đấu giá mặt bằng kinh doanh trong chợ mới, dù rất muốn nhưng vợ chồng anh cũng đành bó tay vì không có tiền.
Anh Hạnh tâm sự: “Nếu bắt buộc phải chuyển chợ chắc chỉ còn nước đi thuê nhà ai gần chợ để buôn bán. Dù biết giá có đắt hơn so với kinh doanh trong chợ nhưng được trả từng tháng thì vẫn còn chịu được. Chỉ mong sao huyện xem xét cho bà con lùi ngày dời chợ đến sau Tết để mọi người yên tâm buôn bán”.
Huyện vẫn quyết dời
Trước những khó khăn sẽ phải đối diện trên, hồi đầu tháng 1-2011, 107 tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Phú Túc đã cùng ký vào một lá đơn gửi UBND huyện Krông Pa xin lùi ngày dời chợ đến sau Tết Nguyên đán. Trong đơn, các hộ tiểu thương bày tỏ sự vui mừng khi chợ mới được khánh thành sẽ tạo điều kiện để bà con có nơi buôn bán khang trang, sạch đẹp, ổn định lâu dài. Song các tiểu thương cho rằng, nếu di dời từ chợ tạm vào chợ mới trước Tết, bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chợ Phú Túc mới vẫn còn khá ngổn ngang. Ảnh: T.D |
Tuy nhiên, nguyện vọng tha thiết đó của các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Phú Túc đã không được huyện Krông Pa chấp nhận. Lý do theo ông Trần Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện là việc đầu tư xây dựng chợ và kế hoạch, phương án di dời chợ đã được thống nhất từ lâu. Đến nay, chợ đã cơ bản hoàn thành thì không thể để trống không sử dụng.
Ngoài ra, khi chợ mới đã xây xong thì việc di dời cũng không ảnh hưởng mấy tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của bà con vì chỉ cần bỏ ra 1-2 ngày chuyển vào là bà con có thể buôn bán được. Cũng theo ông Mạnh, việc di dời chợ là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ kinh doanh bởi mới đây, chợ đã bị kẻ xấu đốt nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, huyện muốn giải tỏa khu vực chợ tạm để san ủi trước Tết và làm vệ sinh môi trường, sau đó sẽ đưa các hộ buôn bán hoa, cây cảnh Tết vào tập trung, đồng thời làm điểm vui chơi trong dịp Tết nơi đây.
Theo thông báo của Ban quản lý chợ Phú Túc ngày 12-1-2011, các hộ kinh doanh tại chợ tạm sẽ phải di dời hết trong 2 ngày (20 và 21-1). Ngày 22-1, Ban chỉ đạo của huyện sẽ tiến hành kiểm tra lập biên bản với những hộ chưa di dời và ngày 23-1 sẽ thực hiện cưỡng chế với những hộ không chấp hành việc di dời. |
Bởi theo họ, nếu thực sự lo lắng cho vấn đề môi trường, an toàn cháy nổ của chợ tạm thì lẽ ra UBND huyện phải cố gắng đẩy nhanh tốc độ thi công chợ mới như đã hứa khi di dời các hộ kinh doanh ra chợ tạm năm 2007 (thời điểm đó theo một số người, ông Trần Văn Mạnh đã tuyên bố sẽ hoàn thành chợ mới trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm) chứ không phải đợi đến giáp Tết mới hoàn thành rồi “ép buộc” bà con như vậy.
Tiến Dũng