Bạn đọc

Di dời nhà nuôi chim yến ra khỏi khu dân cư: Phát sinh nhiều vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Gia Lai, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 19-7-2020, các cơ sở nuôi chim yến trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Việc phân định rõ vùng nuôi chim yến, lộ trình di dời nhà yến ra khỏi khu vực cấm khiến người nuôi yến băn khoăn và còn nhiều vướng mắc.
Theo quy định tại điều 1 của Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND ngày 9-7-2020 của HĐND tỉnh, khu vực không được phép nuôi yến gồm: khu vực tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã; tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt. Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư (thôn, làng) và ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại điều 1. Đồng thời, nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300 m, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có giải thích thêm: “Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND nêu rõ, trường hợp nhà yến đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực, không thuộc vùng nuôi chim yến thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được đầu tư xây dựng để cơi nới, mở rộng quy mô chăn nuôi. Trường hợp nhà yến xây dựng sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thì phải nằm trong vùng nuôi chim yến đã được quy định”.
Băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của những hộ đang nuôi yến tại khu vực nội thành, khu dân cư trước thông tin phải di dời nhà yến theo lộ trình. Ông Nguyễn Văn A (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bày tỏ: “Lâu nay, nhà tôi mở loa phát rất nhỏ để tránh ảnh hưởng đến không gian chung, buổi sáng từ 5 giờ 30 phút đến 11 giờ, buổi chiều từ 1 giờ 30 phút đến 6 giờ. Tôi làm nhà yến đã 6 năm nhưng thực ra bắt đầu khai thác khoảng 3 năm nay, đàn yến nuôi đã ổn định nên có thể không mở máy phát dẫn dụ cũng được. Giờ nếu buộc di dời, tôi rất lo vì không biết di dời đi đâu, vốn liếng vay mượn đầu tư vô nhà yến chưa thu hồi được. Nhà yến là nhà xây kiên cố, nhiều tầng chứ có phải lán trại như chuồng heo, chuồng gà đâu mà di dời được ngay?”.
Nuôi chim yến mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Sơn Ca
Nuôi chim yến mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Sơn Ca
Ông Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) băn khoăn: “Gia đình tôi có 3 nhà yến đều nằm trên địa bàn thị trấn, trong khi đó 2/3 nhà yến mới đầu tư, đang ở giai đoạn dẫn dụ. Đối với quy định về âm thanh, trong 2 năm qua, tôi đã thử nghiệm mở loa dưới 50 dBA thì yến vẫn về, thậm chí cắt loa ngoài trên nóc thì yến vẫn về. Nếu buộc phải di dời trong vòng 5 năm thì vốn liếng đầu tư coi như mất trắng”. 
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 225 nhà yến thuộc sở hữu của 219 hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 120 nhà yến nằm ở khu vực thị trấn và các phường của thị xã, thành phố. Hầu hết các cơ sở, nhà nuôi yến đều mang tính tự phát đầu tư theo quy mô hộ gia đình, sản lượng khai thác dao động trên dưới 30 kg/nhà yến/năm, vẫn còn rất nhiều nhà yến đang trong giai đoạn hình thành, dẫn dụ chim yến nên chưa đi vào khai thác.
Nhìn nhận về khả năng phát triển ngành yến, ông Nguyễn Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam-nhận định: “Trong bối cảnh các loại cây công nghiệp đang gặp khó khăn về giá, nuôi yến là hướng đi đúng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tự phát, phát triển không theo quy hoạch thì các sở, ngành chức năng nên tập trung định hướng, quy hoạch vùng phát triển ngành yến, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng xuất xứ chỉ dẫn địa lý, coi đây là thế mạnh của tỉnh, góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Cũng theo ông Nguyễn Dũng, quy định không phát triển nuôi yến ở nội thành, khu dân cư là đúng đắn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề di dời nhà yến đối với các cơ sở thành lập, hoạt động trước ngày 19-7-2020. Vì đặc thù ngành nuôi yến phải mất thời gian dài dẫn dụ mới về số lượng bầy đàn, phát huy hiệu quả kinh tế để nhà đầu tư thu hồi vốn đầu tư.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chủ cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh đang rất băn khoăn là nếu buộc di dời nhà nuôi yến thì di dời đi đâu? Vì theo quy hoạch của tỉnh thì vùng nuôi chim yến nằm ngoài khu dân cư mà như thế lại rơi vào vùng đất nông nghiệp. Trong khi thiết kế nhà yến phải xây dựng nhà kiên cố, cao tầng, vậy vấn đề cấp phép xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp phải xử lý như thế nào? 
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm