Sau gần 10 năm rong ruổi, Réhahn đã sở hữu bộ sưu tập đồ sộ hình ảnh về cuộc sống và con người Việt Nam. Ống kính của ông tập trung nhiều vào phụ nữ, người già và trẻ em.
"Di sản văn hóa Việt Nam" là triển lãm gồm 37 tấm ảnh của Réhahn trong gần 10 năm rong ruổi khắp Việt Nam. Triển lãm được cộng đồng Vui nhiếp ảnh tổ chức và mở cửa miễn phí, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán ảnh sẽ dùng vào công tác từ thiện.
Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" của Réhahn chụp bà Bùi Thị Xong - người chèo đò ở Hội An đã được báo giới Mỹ bình chọn là bức ảnh "Bà cụ đẹp nhất thế giới".
Sau khi du lịch qua hơn 35 quốc gia, Réhahn quyết định dừng chân ở Hội An và tiếp tục rong ruổi khắp các vùng miền của Việt Nam để ghi lại những hình ảnh ấn tượng về cuộc sống, con người. Ống kính của ông chủ yếu chụp chân dung về phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
"Thung lũng Đồng Văn", một trong những tấm ảnh phong cảnh hiếm hoi trong bộ sưu tập "Di sản văn hóa Việt Nam".
Trong gần 10 năm rong ruổi khắp Việt Nam, Réhahn đã tiếp xúc với 45/54 đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trước đây ông cũng từng giới thiệu triển lãm "Di sản vô giá" với 35 bức ảnh về cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam.
Bức ảnh "Bạn thân" từng một thời gây bão trong cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam. Trong ảnh là Kim Luân là một cô bé 6 tuổi, người M'Nông bên chú voi rừng. Đằng sau mỗi tấm ảnh, Réhahn đều kể những câu chuyện thú vị về những cuộc gặp gỡ hay cuộc sống của người dân nơi ông ghé qua.
Ảnh của Réhahn thường tập trung khai thác về chân dung với những mảng màu tương phản mạnh làm nổi bật chủ thể. Một trong những tác phẩm ấn tượng của ông là "Phước An", ảnh chụp một em bé người Chăm với đôi mắt màu xanh.
"Bắc Hà", bức ảnh chụp người phụ nữ Dao đỏ vừa địu con vừa làm việc nhà.
Bức ảnh mang tên "Truyền thống" chụp một thiếu nữ trong tà áo dài nổi bật giữa Hội An cổ kính.
Khương Nha/zing