(GLO)- Có một địa danh thoáng đãng, xinh đẹp nằm ở phía Đông Bắc TP. Pleiku, cách trung tâm đô thị khoảng 15 km, đó là vùng Tiên Sơn. Nơi này trước đây là một phần đất của xã Biển Hồ. Đến năm 1996, khi thành lập xã Tân Sơn, khu vực này được chia làm 3 thôn: Tiên Sơn 1, Tiên Sơn 2, Tiên Sơn 3.
Tên gọi của vùng đất này từ khi có dấu tích người Kinh ở miền xuôi lên sinh sống có quan hệ mật thiết với nhau: Tiên Sơn (thuộc xã Tân Sơn, TP. Pleiku ngày nay), Ngô Sơn (thuộc xã Chư Jôr cũ, huyện Chư Păh), Hiển Sơn (thuộc xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa). Gộp 3 địa danh này lại, người dân trong vùng gọi là Tam Sơn. Về địa danh hành chính có sự thay đổi qua các thời kỳ do việc tách nhập nhưng về mặt địa lý tự nhiên, đó là vùng thung lũng được bao bọc bởi dãy Chư Nâm, Chư Đang Ya và Chư Jôr kết nối với một phần hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) và Biển Hồ chè.
Sách Địa chí Gia Lai xuất bản năm 1999 có ghi: “Ở vùng phụ cận thị xã Pleiku, nhóm Kinh đầu tiên ở Tiên Sơn do các ông Nguyễn Quỹ, Hồ Tiếp, Lê Đức, Lê Lý là dân gốc Bình Định lên Kon Tum ở làng Tân Hương. Sau đó, các ông theo giáo sĩ thừa sai qua truyền giáo ở vùng Hà Bầu, rồi mộ dân đến đây lập làng Tiên Sơn. Trước năm 1945, làng Tiên Sơn có 50 gia đình gồm 250 người”.
Thôn Tiên Sơn 1 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Lần theo dấu tích của những người “khai thiên lập địa” vùng đất Tiên Sơn, tôi đi tìm lai lịch ông Nguyễn Quỹ xem con cháu ông có còn lại ở vùng đất mới khai phá này không. Tôi đến thôn Tiên Sơn 2 thì gặp được ông Huỳnh Văn Hùng và ông Bùi Xuân Hùng là những người theo đạo Công giáo, am hiểu về vùng đất mà mình sinh sống. Theo 2 ông cho biết, dòng họ của mình đã định cư trên mảnh đất này từ lâu. Thời ông Nguyễn Quỹ lập làng thì ông bà nội của các ông từ miền xuôi Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cũng đã có mặt ở nơi này cùng với nhóm cư dân người Kinh đầu tiên.
Để minh chứng cho điều đó, các ông đưa tôi đến nghĩa trang Công giáo, cách nhà thờ Tiên Sơn khoảng hơn 1 km về phía Đông. Nơi đây, bên cạnh các mộ phần người quá cố của gia đình ông Huỳnh Văn Hùng và Bùi Xuân Hùng, tôi tìm được phần mộ ông Nguyễn Quỹ (qua đời trước năm 1945) nằm bên phần mộ của người cháu. Các ông cho biết, con cháu của ông Nguyễn Quỹ hiện giờ không còn ai sinh sống tại vùng đất Tiên Sơn và họ cũng không có thông tin gì về gia hệ của dòng họ Nguyễn này ở nơi ông lập nghiệp. Sau khi xin đất lập nghĩa trang cho bà con giáo dân ở Tiên Sơn, mọi người di dời phần mộ của bậc tiền hiền này cùng cháu gái của ông chôn gần đó đưa vào nghĩa trang cho ấm cúng. Hàng năm, các ông đều đến thắp hương và dọn cỏ nơi an nghỉ của bậc tiên chỉ này.
Ngồi trong khu vườn đầy hoa trái của gia đình ở cạnh bàu Thủ Chỉ, ông Huỳnh Văn Hùng ôn lại những gì mà ông nội mình là Huỳnh Hữu Nhơn (sinh vào cuối thế kỷ XIX, mất năm 1941), người đã theo giúp việc cho cha đạo người Pháp Claude Corompt (Cha Hiển) kể lại cho cha ông là Huỳnh Thế và sau này đến thế hệ của ông còn nhớ được mà không có sách vở nào ghi chép. Bây giờ nghiệm lại, ông Hùng có cảm nhận câu chuyện đó vừa là sự thật của một thời đã qua, vừa như truyền thuyết về một vùng đất.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, ở một làng Jrai Hrung có tên là Plei Krol nằm ở phía Bắc Biển Hồ (thuộc thôn Tiên Sơn 1 ngày nay) xuất hiện một người đàn ông người Kinh trông rất rắn rỏi, cao lớn, khỏe mạnh từ miền xuôi lên. Ông làm chòi ở trong rừng dầu cạnh làng rồi khai khẩn đất hoang trồng lúa, bắp và săn bắt để sống qua ngày. Tháng ngày qua, ông làm quen với dân làng và già làng Plei Krol. Từ đó, ông có nhã ý xin đất của làng để đưa người Kinh đến ngụ cư. Già làng bấy giờ ra điều kiện, nếu ông chiêu mộ được khoảng 20 gia đình người Kinh trở lên đến ở thì làng sẽ cắt đất cho lập làng mới. Sau một thời gian, nghe lời già làng Plei Krol, ông đã thuyết phục được 20 gia đình ở miền xuôi, chủ yếu là dân Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam lên đây lập làng lấy tên là Tiên Sơn. Đồng bào Jrai trong vùng gọi làng người Kinh này là Plơi Nel. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ Kinh-Thượng rất đoàn kết, bình yên.
Người có công lập làng Tiên Sơn đó chính là ông Nguyễn Qũy, quê Quảng Nam, được xem là bậc tiền hiền của vùng đất mới. Bấy giờ, người dân gọi ông là thủ chỉ (được hiểu như người đứng đầu một làng thời ấy). Đến nay, cái tên bàu nước nơi rừng dầu xưa, người Tiên Sơn còn gọi là bàu Thủ Chỉ để ghi nhớ công lao người mở đất. Trong họ đạo Công giáo, mọi người gọi ông là Phê rô Nguyễn Quỹ. Thân thế, sự nghiệp của ông, người hậu thế không ai biết rõ. Người đời sau có giai thoại rằng, cha của ông là võ tướng dưới thời Tây Sơn. Đến thời Gia Long trị vì, để tránh sự truy lùng những người theo Tây Sơn, gia đình ông đã trốn lên miền sơn cước sống cùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi lớn lên, ông theo đạo và đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp.
Ông Bùi Xuân Hùng kể rằng: Thời ấy, ông Nguyễn Quỹ đã đi khắp các vùng xung quanh Biển Hồ ngày nay để tìm nơi lập làng. Khi đến bên hồ lớn này rà soát phong thủy, ông cho vùng đất bên “đại hồ” là “đồ hại” (kiểu nói lái của người miền Trung) nên bỏ qua. Tiến lên phía trước, đến thung lũng dưới chân dãy Chư Nâm và Chư Jôr thấy vùng sơn thủy hữu tình, khí hậu thoáng mát, có rừng dầu lai nhiều chim thú, ông cho rằng “dầu lai” là “dài lâu” nên quyết định dừng chân nơi đây. Khi lập làng, ông đặt tên Tiên Sơn (chữ “Tiên” ở đây là “trước”, có nghĩa là làng trước núi, phù hợp với vị trí 2 ngọn núi lớn trong vùng). Trong số 20 gia đình đầu tiên theo ông Nguyễn Quỹ về lập làng Tiên Sơn có gia đình các ông: Huỳnh Lộc ở Phù Mỹ, Bình Định; Phạm Duệ ở Tây Sơn, Bình Định; Hồ Tiếp-Phó lý Hào, Nguyễn Hậu ở Quảng Ngãi… Những năm đầu thế kỷ XX xuất hiện một trận dịch gây hại cho người dân nên làng Tiên Sơn phải dời về vùng đất gần trụ sở UBND xã Chư Jôr cũ và đổi tên là Plei Wet.
Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết: Theo cha ông kể lại, xuất phát họ đạo Công giáo ở Tiên Sơn bắt đầu từ năm 1907 do cha xứ người Pháp Nicolas ở Hà Bầu đến đây vận động dân làng dựng nhà nguyện bằng tranh tre nứa lá đơn sơ (gọi là nhà rầm) theo kiểu nhà sàn của đồng bào Jrai tại khu đất nhà thờ Tiên Sơn ngày nay để các linh mục đi lại tá túc và dạy giáo lý cho những người theo đạo. Đến năm 1909, họ đạo Tiên Sơn chính thức được thành lập do Cha Hiển-Claude Corompt ở nhà thờ Hà Bầu (Hiển Sơn) đỡ đầu; ông Hồ Tiếp (Trùm Xe) làm câu họ đầu tiên nơi đây.
Từ năm 1939 đến 1942, vùng Tiên Sơn bị ảnh hưởng hạn hán và dịch bệnh lây lan nên hầu hết các gia đình người Kinh đã đi sơ tán khắp nơi. Sau khi hết dịch, một số gia đình mới lần lượt trở về định cư. Đến năm 1946, chính quyền cách mạng lấy 3 làng người Kinh gồm: Tiên Sơn, Ba Hòa (Ngô Sơn), Hiển Sơn thành lập xã Tam Sơn. Khi thực dân Pháp tái chiếm thị xã Pleiku và Tây Nguyên, người Kinh nơi này di tản về đồng bằng, mãi đến năm 1950 mới có ít gia đình hồi cư ở Tiên Sơn. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, cán bộ và bộ đội ta hoạt động trong vùng Tiên Sơn, Hiển Sơn và vùng Biển Hồ chè đã vận động, thuyết phục một số cha đạo người Pháp và giáo dân nơi đây ủng hộ cách mạng và họ đã tạo điều kiện giúp các đội công tác của ta hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày giải phóng miền Nam.
Ngày nay, người dân Tiên Sơn nói riêng và xã Tân Sơn nói chung đã tụ cư với 3 thôn người Kinh và 2 làng dân tộc Jrai. Toàn xã Tân Sơn có 1.400 hộ với khoảng 5.500 khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Họ đã và đang chung sức chung lòng cùng Nhân dân các dân tộc TP. Pleiku ra sức xây dựng địa phương phát triển không ngừng, đưa vùng ngoại ô này ngày càng trở nên giàu đẹp. Những năm gần đây, người dân Tân Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, gìn giữ môi trường trong lành, thu hút du khách đến khám phá vùng đất cổ của đô thị Pleiku với những điểm dừng chân hấp dẫn.
BÙI QUANG VINH