Dị ứng ở vùng kín của nam giới không phải là hiếm và có thể cực kỳ khó chịu khi gây đau, sưng, ngứa cùng các triệu chứng khác.
Rửa tay trước và sau khi sử dụng nhà vệ sinh là một trong những cách phòng ngừa dị ứng - Ảnh: Shutterstock |
Dấu hiệu chính là phát ban ở phần đầu, có thể ửng đỏ hoặc nổi những vết sưng phồng hoặc sưng nhỏ trên cơ quan sinh sản nam, theo chuyên san The American Journal of Cosmetic Surgery.
6 nguyên nhân phổ biến
1/ Bệnh vảy nến bộ phận sinh dục: Đó là một tình trạng tự miễn dịch gây ra các mảng nhỏ, đỏ ở vùng kín. Nó có thể làm cho làn da trở nên bong vẩy hoặc sáng bóng, gây ngứa hoặc đau nhức, theo chuyên san Dermatology and Therapy.
2/ Viêm da do tiếp xúc: Đây là loại phát ban ngứa và đỏ do da tiếp xúc với chất lạ, có thể phát triển khi “cậu nhỏ” tiếp xúc với hóa chất trong nước hoa, xà phòng. Nó có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ đồng hồ.
Cách phòng ngừa dị ứng vùng kín: vệ sinh thường xuyên; rửa và làm khô dương vật sau khi quan hệ; rửa tay trước và sau khi sử dụng nhà vệ sinh; làm khô vùng kín trước khi mặc quần áo.
3/ Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI): Một số STI (mụn rộp sinh dục, giang mai, lậu, vi rút HIV/AIDS) có thể gây ra sưng, loét, mụn nước, đỏ, ngứa gần dương vật, theo chuyên san BJU International.
4/ Nhiễm trùng nấm men: Đây là một trong những dị ứng phổ biến nhất, gây phát ban ngứa, đốm hình thành trên và xung quanh “cậu nhỏ”, theo chuyên san International Journal of Impotence Research. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm không kê đơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng nấm men có thể dẫn đến viêm balan.
5/ Viêm balan: Tình trạng này gây ra viêm da trên đầu dương vật, cùng với đỏ, sưng, ngứa, phát ban, đau và tiết dịch có mùi. Nghiên cứu được công bố trên chuyên san The Journal of Sexual Medicine cho thấy viêm balan có thể do nhiễm trùng, dị ứng, các vấn đề về da mãn tính và tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tiểu đường.
6/ Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Do vi khuẩn tích tụ trong đường dẫn, gây khó khăn khi đi tiểu hoặc cảm thấy nóng rát, ngứa ran trong hoặc ngay sau khi đi tiểu. Nó có thể dẫn đến dị ứng dương vật, điều trị được bằng kháng sinh, theo chuyên san Sexual Medicine Reviews.
Cách điều trị dị ứng
Nếu có bất cứ dị ứng nào nói trên, thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ là một trong những lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây cũng hữu ích, chuyên san Medical Ultrasonography cho hay.
Tắm muối: Hòa 2 cốc muối Epsom cho vào bồn tắm chứa đầy nước ấm và ngâm trong bồn tắm ít nhất 15 phút. Làm điều này 2 hoặc 3 lần/tuần.
Chườm lạnh: Áp một miếng vải ướt, lạnh vào “cậu nhỏ” trong 5 - 10 phút, hoặc dùng túi nước đá được bọc trong khăn để chườm.
Kem dưỡng ẩm hoặc kem chống ngứa: Hỏi bác sĩ về các loại kem đặc biệt dành cho vùng kín vì chứa thành phần (hóa chất) nhẹ hơn, sẽ không gây khó chịu cho da.
Kiêng quan hệ: Nên tránh quan hệ tình dục và các hoạt động khác có thể làm trầm trọng thêm vùng da quanh “cậu nhỏ”, cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.
Theo Thế Phương (ThanhNiên)