(GLO)- Hạn hán tiếp tục hoành hành, trong khi Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cảnh báo tình hình tồi tệ còn kéo dài đến tháng 5. Tại nhiều vùng ở Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, niềm mong ước lớn nhất lúc này không gì khác là… nước!
Thiếu nước sinh hoạt
Hbông thuộc huyện Chư Sê hay Ia Le, Chư Don của huyện Chư Pưh là những nơi đang chịu cảnh hạn hán khốc liệt nhất hiện nay. Liền một mạch gần cả trăm cây số, mồ hôi nhễ nhại và khi không còn chịu nổi cái nóng như thiêu như đốt, tôi buộc phải dừng chiếc xe máy để ghé lại một quán nhỏ bên quốc lộ 14 thuộc xã Ia Le. Bức bối, ngột ngạt nên chuyện trong quán cũng lưa thưa, uể oải. Nhưng khi tôi hỏi: “Ở đây nắng nóng như thế này bao lâu rồi?” thì như đánh trúng tâm lý, nhiều người lập tức buột miệng: “Ôi, lâu lắm rồi, 5-6 tháng nay chưa có mưa. Chắc anh mới tới, ở đây là hạn nhất rồi chứ đâu”. Họ còn tiếp tục than vãn, ca cẩm một hồi nữa về tình cảnh tồi tệ của bản thân, gia đình, xóm làng trong những ngày này.
Nhiều người dân ở xã Ia Le phải dùng nước giếng nhiễm vôi, phèn. Ảnh: T.S |
Chàng trai tên Nguyễn Văn Phúc (con chủ quán) vừa liền tay phục vụ khách vừa nói: “Giếng nước nhà cháu chỉ vét được 500 lít nước ăn/ngày, dùng không đủ. Như cháu đây, mồ hôi nhễ nhại, ghét bẩn lắm đấy nhưng tắm táp qua loa để tiết kiệm nước. Hàng xóm bên cạnh giờ cháu cũng không cho nước ăn được”. Vậy đấy, vẫn biết “Tối lửa tắt đèn…” nhưng trong trường hợp này liệu có thể tất? Theo Phúc, hiện tại, chi phí trọn gói cho một giếng khoan (gồm công khoan, máy bơm, ống dẫn) vào khoảng 30 triệu đồng.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi tôi được Phó Bí thư xã Ia Le Siu Hbhem đưa về thôn Ia Bia (tái định cư-cách trung tâm xã Ia Le 5 km). Từ quốc lộ 14 rẽ vào chừng cây số, Ia Bia trơ trọi trên đồi cao. Lúc mới thành lập, thôn có 95 hộ (nay là 102 hộ, 579 khẩu). Trời trưa nóng bức, nhà tôn thấp tịt nên chúng tôi chỉ có thể ngồi dưới tán xoài trước nhà Trưởng thôn Rmah Chik nói chuyện. Chếch phía phải, cái quán nhỏ của anh Nguyễn Văn Tư thỉnh thoảng có người đến mua nước đóng bình về dùng. Không ít người bồng bế, đưa con cái đi cùng. Giá 10.000-12.000 đồng/bình loại 20 lít. Gia đình 4-6 người như Chik mỗi ngày dùng một bình 20 lít mà thấy chẳng bõ bèn gì. Nhìn bọn trẻ đón ca nước từ tay mẹ uống một cách ngon lành mà không khỏi chạnh lòng. Nước uống còn quý như thế thì cái ăn, rồi nhiều thứ khác nữa thiếu thốn và khan hiếm đến dường nào! Anh Tư cho biết: Ngoài quán của mình, trong làng còn một quán nữa, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 bình nước. Cơ sở cung cấp là Sỹ Diệu (xã Ia Le) và một cơ sở khác ở Ea Hleo (Đak Lak).
Thực ra từ hồi mới chuyển đến, thôn này đã được Nhà nước hỗ trợ 2 giếng khoan (xây dựng năm 2009), nhưng nước nhiễm vôi, phèn, nhiều năm không ăn uống gì được, chỉ để tắm giặt, lấy nước uống cho trâu bò. Tắm giặt bây giờ dùng nước giếng khoan nhưng cũng chỉ 1 lần/người/tuần. “Ngứa lắm đấy nhưng chịu, biết làm sao”-Chik gãi gãi, nói. Thời điểm hiện tại, nước 2 giếng khoan lúc có lúc không. Một số hộ vì túng quá chấp nhận mua phèn chua hòa lắng cặn lấy làm nước ăn. Xã, thôn nhiều lần đề nghị cấp trên hỗ trợ 200 ngàn đồng/hộ/tháng để mua nước uống nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Cây trồng chết khô
Hạn hán khiến sinh hoạt đã khó huống chi là sản xuất. Thực ra thì giữa trời nắng ong ong, hơi nóng phả vào mặt như lửa hơ và những vườn tiêu, cà phê, mì ủ rũ hoặc chết héo trên đường đi qua, đã cho tôi biết mức độ khủng khiếp của thiên tai. Nhưng hiện thực với trăm ngàn cảnh khổ vì hạn còn khiến nhiều người hẳn phải giật mình. Ngay tại xã Ia Le, theo chân Phúc đi tắt sang vườn tiêu bên cạnh, chúng tôi chứng kiến hàng loạt trụ tiêu đen ngọn, chết héo. “Có nhà chết đến 3, 4 ngàn trụ đó chú”- Phúc nói.
Với thôn Ia Bia, trước năm 2007, người làng sống ở làng Bối A, Bối B (dưới UBND xã Ia Le 1 km). Thực hiện chủ trương di dời, phần lớn người 2 làng đến khu tái định cư mới. Các hộ chấp thuận di dời được chính quyền hỗ trợ 13 triệu đồng/người, nhà ở, hố xí, giếng nước, 1 ha đất sản xuất... Tuy nhiên đến nay, đất sản xuất vẫn chưa được cấp, đất tại chỗ trơ đá, cỏ còn mọc không nổi, người làng phải đi xa 12 km đến tận Kênh Chồng (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) trồng tỉa trên nền đất cũ để kiếm cái ăn.
Lúc này cuộc sống người làng cực lắm. Năm trước đã mất mùa, giờ thêm hạn, nhiều hộ rơi vào cảnh thiếu đói. Bà con làm đủ nghề kiếm sống. Theo Chik, bà con chủ yếu sống dựa vào rừng, đi tìm chai cục, đặt bẫy, săn bắn, hái rau, thậm chí là chặt gỗ đổi gạo. “Nhưng chặt gỗ chỉ những người có máy cày, xe công nông”-Chik nói. Cả thôn có 102 hộ nhưng hiện có đến 85 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Nhiều người phải bán gà, heo, bò, đổi lấy cái ăn, cái uống, chữa bệnh…
Cũng theo lời Chik, năm trước đã hạn nặng làm lúa, bắp, mì thiệt hại rất nhiều. Mì lại liên tục hạ giá, đầu mùa giá chưa tới 3 ngàn đồng/kg mì khô; bán mì tươi thì nhà máy bên Ea Hleo hẹn đến mấy tháng mới trả tiền, báo hại dân mòn mỏi chờ dài cả cổ.
Khoảng 10 km tính từ trung tâm xã Ia Le đến một thôn tái định cư khác-Ia Yôn (còn gọi là khu Đất Đỏ), nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di dân tự do vào từ năm 2000-tôi càng thấm thía nỗi vất vả sinh kế. Đâu đâu cũng những vạt rừng trơ trụi, khói đốt rẫy mù mịt càng làm không khí thêm oi nồng. Nhiều thân mì xếp tròn, chụm đầu vào nhau làm hom giống vụ tới, giờ cong queo, khô khốc. Chỉ lưa thưa những gốc điều là có màu xanh.
Tôi bước vào ngôi nhà bên đường-nhà một người Mông-Lý Dào Chiêu. Chiêu quê Cao Bằng, vào đây năm 2000. Mới đầu như Chiêu-là tìm đất sản xuất, nơi ở, sau thấy sống được, định cư lâu dài mới đưa cả gia đình, họ hàng, anh em vào theo. Dù ở rải rác nhưng giờ đây Ia Yôn đã có trên 80 hộ, đều là người dân tộc thiểu số phía Bắc.
Mỗi người một góc nhà, 4 thành viên nhà Chiêu ai cũng uể oải, ngao ngán. Làm lụng rõ ràng là chẳng thiết. Bởi trời có mưa đâu, nước đâu mà trồng tỉa? “Mì, tiêu chết nhiều lắm. Chẳng riêng gì mình, ở đây ai cũng thiệt hại”-Chiêu than thở. Nguồn sống gia đình anh lâu nay là hơn 1 ha mì, bắp, tiêu (800 trụ 2-3 năm tuổi). Đưa chúng tôi ra vườn tiêu sau nhà, đến bên trụ tiêu trồng đã 2 năm, con trai Chiêu tiếc nuối: “Ngọn bị đen rồi. Chừng 5-7 ngày nữa không có mưa thì vườn tiêu này chết hết”. Chiêu cho biết trụ tiêu bằng cây sống như gòn thì còn kéo dài khả năng chống chọi, nhưng với trụ bằng gỗ thì ngọn teo lại, lá non cháy đen. Xa hơn một chút, con suối đã khô khốc từ bao giờ, sỏi đá lởm chởm. Cũng với Chiêu, tuần vừa rồi ở làng trong xảy ra một vụ đánh nhau, cũng vì giành nước tưới! Chính quyền xã vất vả giải quyết, tình hình mới được vãn hồi.
Thất Sơn