(GLO)- Bước ra khỏi “ao làng” để hòa nhập với môi trường học tập và làm việc tại nước ngoài, đối với nhiều bạn trẻ, đó là bước ngoặt quan trọng trong hành trình trưởng thành. Khi được trải nghiệm sự khác biệt văn hóa ở vùng đất khác, họ càng ý thức và trân trọng hơn truyền thống văn hóa của người Việt.
Học tập lối sống kỷ luật
Anh Đặng Văn Vũ (SN 1997, làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đang làm việc cho một công ty sản xuất bê tông ở TP. Niigata, Nhật Bản. Công việc chính của anh là vận hành máy, phần lớn thời gian làm việc trong công xưởng. Anh chia sẻ: “Công việc rất vất vả, đòi hỏi bản thân không ngừng nỗ lực. Làm việc hơn 1 năm trong môi trường mới đã làm thay đổi con người tôi nhiều mặt. Tôi rèn được cho mình tính kỷ luật, sự tỉ mỉ và sự thích nghi”.
Về lý do chọn Nhật Bản để làm việc, anh Vũ kể: Sau khi tốt nghiệp THPT ở trường huyện, chàng trai 9X quyết định chọn học nghề điện ô tô thay vì bước chân đến giảng đường đại học. Anh trải lòng: “Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống khá vất vả. Học xong THPT, tôi nghĩ tốt nhất nên trang bị cho mình một nghề thật vững vàng thay cho tấm bằng đại học. Nhật Bản là quốc gia rất coi trọng những người thợ giỏi chứ không chỉ chú trọng bằng cấp. Tôi sang đây làm việc vừa để giúp đỡ bố mẹ, vừa dành dụm một số vốn, sau này trở về quê hương thực hiện ước mơ của mình là mở một garage ô tô”.
Anh Nguyễn Văn Phong tại Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tinh thần lao động chăm chỉ, khắt khe, tỉ mỉ của người Nhật khiến cho lao động nước ngoài như anh Vũ luôn ý thức rèn luyện, tiếp thu công nghệ, đáp ứng môi trường làm việc chuyên nghiệp. “Tôi học hỏi được rất nhiều điều, nhất là kỹ thuật, công nghệ hiện đại của Nhật. Hơn nữa, tôi được tiếp xúc với một nền văn hóa mới để làm phong phú thêm vốn sống, sự trải nghiệm. Chẳng hạn, người Nhật không ăn Tết cổ truyền như người Việt. Vì vậy mà nhìn những tờ lịch cuối cùng của năm cũ, tôi càng nhớ da diết Tết quê. Dù có đi khắp chốn ngàn phương, tôi vẫn thấy Gia Lai là bình yên nhất, là quê hương, quê nhà thân thuộc”-anh Vũ cho biết.
Cũng chọn “đất nước mặt trời mọc” để làm việc sau tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phong (SN 1998, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết, công việc hiện tại của anh là đúc nhựa cường hóa, làm thủ công là chính, ít dùng tới máy móc.
Chàng trai 9X chia sẻ: “Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ban đầu, tôi qua đây chỉ với mục đích kiếm tiền để phụ giúp gia đình nhưng quá trình làm việc giúp tôi mở mang thêm kiến thức, nhất là thái độ ứng xử với cuộc sống và công việc. Nước Nhật có trình độ khoa học phát triển, con người sống rất tự trọng và kỷ luật. Trong môi trường làm việc ở đây, việc tuân thủ quy tắc, độ chính xác về thời gian, tuyệt đối an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. Chính điều này đã rèn luyện cho tôi sự nghiêm túc trong mọi việc. Nếu các bạn trẻ có ý định đi nước ngoài làm việc thì Nhật đáng để lựa chọn”.
Luôn tự hào là người Việt Nam
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh, với Bùi Kim Ngân (SN 1994, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), sang Singapore làm việc là một bước ngoặt bất ngờ. Chặng đường học tập và “nhảy việc” của cô gái 9X cho thấy sự năng động, dấn thân của người trẻ ra đi từ “ao làng”.
Cựu học sinh Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) kể: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc cho một công ty kiểm toán tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi đổi sang một công ty khác và học được không ít kinh nghiệm. Ban đầu, tôi không “mê” việc lắm, nhưng vẫn luôn cố gắng hết sức để làm tốt công việc được giao. Khi làm tốt việc của mình thì đồng thời có được niềm thích thú và chuyên tâm hơn”.
Vẫn làm việc cho công ty kiểm toán nhưng Bùi Kim Ngân cũng thử thách bản thân bằng việc làm thêm. Công việc của 1 freelancer (người làm nghề tự do) thời thượng nhưng đòi hỏi nhiều kỹ năng. Người làm nghề này phải giỏi thực sự.
Chị chia sẻ: “Làm freelancer một thời gian, tôi biết thêm đủ thứ, từ thiết kế, branding (xây dựng giá trị cốt lõi cho thương hiệu), google ads (sử dụng để quảng bá doanh nghiệp, tăng lưu lượng truy cập), email marketing (hình thức sử dụng thư điện tử mang nội dung thông tin/bán hàng/tiếp thị/giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mà mình mong muốn), website (trang web giúp cho người dùng tiếp cận gần hơn với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp, nhờ đó tăng hiệu quả kinh doanh), làm video, chụp ảnh sản phẩm, thậm chí là retouch (chỉnh sửa, làm cho ảnh đẹp hơn, có hồn hơn)…”.
Cô gái 9X quê Gia Lai Bùi Kim Ngân trong môi trường làm việc tại nước ngoài. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Công việc ở Việt Nam dù đang ổn định với mức thu nhập tốt, nhưng khi nhận được đề nghị sang Singapore làm việc, cô gái 9X đã đồng ý ngay. Công việc hiện tại của chị là làm marketing cho Công ty LKH Projects Distributtion Pte Ltd (thuộc Tập đoàn Tai Sin Electric Limited). Chị cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại được tập đoàn này mời làm việc.
“Đây vừa là áp lực, vừa là vinh dự lớn đối với tôi. Vì thế, dù làm gì tôi cũng luôn cố gắng, nỗ lực gấp đôi với một tâm thế tự hào, tự tôn dân tộc là “người Việt Nam cũng giỏi lắm đấy. Điều tôi học hỏi nhiều nhất ở quốc gia này chính là tính chuyên môn hóa trong từng lĩnh vực. Ở lĩnh vực đòi hỏi có người giỏi hơn thì họ sẽ để người giỏi đó làm”-chị Ngân bày tỏ.
Phương châm sống của Ngân là có cơ hội thì hãy bắt lấy, nhưng dù làm gì cũng phải cố gắng hết sức mới có được thành quả tốt. Chị chia sẻ: “Các bạn trẻ muốn có cơ hội nghề nghiệp tốt, phát triển bản thân thì hãy cố gắng làm tốt nhất việc mình được giao. Khi người ta nhìn thấy điều đó cũng có nghĩa cơ hội đã đến với bạn”.
MINH CHÂU