Chính trị

Tin tức

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức khánh thành Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đặt tại làng Tăng Lăng, xã Krong, huyện Kbang. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh nhà nói chung và ngành Tuyên giáo nói riêng, đồng thời góp thêm một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân trong tỉnh.
 

Sáng 28-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức lễ khánh thành Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại làng Tăng Lăng. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng cấp ủy một số địa phương và Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị, Thành ủy.

Dấu ấn ngành Tuyên giáo

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bồng-nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh: Từ năm 1960 đến 1962, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, các ban ngành trực thuộc lần lượt được thành lập: Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Đấu tranh Chính trị-Binh vận, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, các đoàn thể gồm: Phụ nữ giải phóng, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng… Ban Tuyên huấn và Ban Đấu tranh Chính trị-Binh vận trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Võ Trung Thành phụ trách. Tháng 2-1961, khi đồng chí Võ Trung Thành về Khu ủy V, đồng chí Phạm Chánh (Sáu Thân) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng thời phụ trách công tác tuyên huấn. Lúc này, Ban Tuyên huấn còn nằm chung trong khu làm việc của Tỉnh ủy.

Năm 1962, Ban Tuyên huấn tách từ Văn phòng Tỉnh ủy để thành lập Ban Tuyên huấn, gồm các tiểu ban: Thông tin tuyên truyền, Huấn học, Văn nghệ, Binh vận và Giáo dục với 5 bộ phận: trường Đảng, trường bổ túc cán bộ, in, đội văn công và văn phòng ban (hành chính quản trị, tổ liên lạc, bảo vệ và tổ sản xuất). Bộ máy tổ chức Ban Tuyên huấn tỉnh có khoảng 10 cán bộ, nhân viên; mỗi tiểu ban có 2-3 người. Cơ quan Ban Tuyên huấn đóng tại làng Kon Jueng, xã Kpier (nay là xã Krong, huyện Kbang). Năm 1963, Ban Tuyên huấn chuyển xuống làng Tăng Lăng (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang). Những năm 1965, 1966, 1968, Ban chuyển về làng Đe Ktung. Từ cuối năm 1968 đến năm 1973, Ban Tuyên huấn lại chuyển về làng Tăng Lăng. Từ năm 1973 đến sau 1975, Ban Tuyên huấn đóng tại địa điểm gần Bưu điện (cầu dây).

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (ở giữa) cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (ở giữa) cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phương Linh


Xúc động chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Phi Yến-nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-bày tỏ: Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xem công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu; là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong mọi thời kỳ cách mạng. Những thành tựu vĩ đại của Đảng trong 90 năm qua đều có sự đóng góp trực tiếp và hiệu quả của ngành Tuyên giáo. Trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên huấn được hình thành và phát triển trong quá trình ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh. Kể từ những hoạt động đầu tiên của các chiến sĩ cộng sản như: Hà Thế Hạnh, Lê Đức Mỹ, Trần Ren, Phan Thủy Tú, Nguyễn Lượng, Nguyễn Bá Hòe, Trần Như Tích, Nguyễn Ngọc Bích…, công tác tuyên huấn đã trở thành lĩnh vực trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng bộ tỉnh.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương, trong 30 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc (1945-1975), qua nhiều lần thay đổi tên gọi và phương thức hoạt động, công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh đã phục vụ hiệu quả cho mục tiêu giải phóng tỉnh nhà. Lớp lớp cán bộ làm công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh đã anh dũng xông pha, chấp nhận hiểm nguy, vượt qua gian khó để mang tiếng nói của Đảng, Bác Hồ đến với các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ vùng địch kiểm soát cho đến vùng tự do…; trực tiếp bồi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh to lớn về tinh thần, vật chất của quân và dân tỉnh ta trong các cuộc đọ sức với quân thù, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục làm tròn sứ mệnh xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo… góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội; động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Những đóng góp quan trọng đó của ngành Tuyên giáo đã được nhân dân trên địa bàn tỉnh trân trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều huân-huy chương, danh hiệu cao quý khác.

“Uống nước nhớ nguồn”

Từ năm 1955 đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Tỉnh ủy chọn Khu 10 làm căn cứ địa, trong đó có cơ quan tuyên huấn. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, để bảo đảm bí mật cũng như thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh giao, Ban Tuyên huấn phải chuyển địa điểm đến nhiều khu vực khác nhau. Dù vậy, làng Tăng Lăng vẫn là nơi cơ quan Ban Tuyên huấn công tác trong thời gian dài nên được chọn làm nơi đặt Bia di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cũng như du khách về truyền thống lịch sử, vai trò, vị trí của công tác tuyên huấn trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Bia di tích lịch sử xây dựng trong khuôn viên hơn 300 m2 tại làng Tăng Lăng, quanh vị trí đặt bia có một vài hộ dân người địa phương sinh sống; mặt chính của bia nhìn về hướng Đông. Cách 100 m về hướng Bắc là nhà rông-vị trí trung tâm và là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng.

 Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng quà các gia đình chính sách làng Tăng Lăng (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: P.L
Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng quà các gia đình chính sách làng Tăng Lăng (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Phương Linh

Tại lễ khánh thành Bia di tích, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Gia Lai cùng một số cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân đã tặng 145 suất quà cho các gia đình có công, hộ nghèo và học sinh làng Tăng Lăng. Trước đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức lễ trao nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng) cho gia đình ông Đinh Bet tại làng Tăng Lăng. Gia đình ông Đinh Bet là hộ nghèo và có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng Bia di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương nhấn mạnh: Xây dựng Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ đi trước, góp phần giáo dục các thế hệ làm công tác tuyên giáo hôm nay phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Đinh Văn Ble-Phó Chủ tịch UBND xã Krong-bày tỏ: “Cùng với niềm tự hào, chúng tôi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn. Công trình này thật sự là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng để mạch nguồn lịch sử chảy mãi”.

PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm