Pháp luật

Tin tức

Địa ốc Alibaba lừa đảo: Cần phong tỏa thêm tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc ngăn chặn tẩu tán tài sản các đối tượng ở địa ốc Alibaba đang được thực hiện toàn diện nhưng khả năng thu hồi lại toàn bộ rất khó.
Ngày 1/10/2019, bàn về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn địa ốc Alibaba mà Bộ Công an phối hợp cùng với cơ quan chức năng một số tỉnh thành đang điều tra, nhiều luật sư cho rằng việc thu hồi lại toàn bộ tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt từ gần 7.000 nạn nhân là điều tương đối khó khăn.
Theo luật sư Ngô Trần Đức Khang - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cơ quan chức năng đang thực hiện toàn diện việc phong tỏa tài sản liên quan đến Tập đoàn địa ốc Alibaba và các đối tượng liên quan để ngăn chặn việc tẩu tán bằng cách phong tỏa tài khoản ngân hàng cả doanh nghiệp, các đối tượng liên quan và cả người thân của những đối tượng này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn yêu cầu ngừng giao dịch chuyển nhượng các khu đất thuộc sở hữu của các nhân trong Tập đoàn địa ốc Alibaba.
"Đây đều là những bước cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra, nhằm xác định số tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt được, bên cạnh đó ngăn chặn khả năng thất thoát tài sản do phạm tội mà có" - ông Khang cho biết.
 
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu trong buổi khám xét trụ sở Tập đoàn địa ốc Alibaba hồi giữa tháng 9/2019.
Tuy nhiên, theo ông Khang, các khu đất liên quan đến Tập đoàn địa ốc Alibaba nằm rải rác ở một số tỉnh thành như TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Đây đều là những khu đất nông nghiệp, có giá trị chuyển nhượng thấp nhưng các đối tượng đã quảng cáo, đẩy giá trị khu đất nên cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế nên nếu có thu hồi, định giá thì giá trị cũng khác xa so với giá trị mà Tập đoàn địa ốc Alibaba đã đưa ra.
"Điều này dẫn đến việc số tiền thực tế thu hồi được sẽ thấp hơn rất nhiều so với số tiền 2.500 tỷ đồng mà cơ quan chức năng xác định trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Tập đoàn địa ốc Alibaba.
Ngoài ra, trong số tiền 2.500 tỷ đồng đó, một phần lớn đã được các cá nhân liên quan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như tiêu xài cá nhân, chi trả chi phí hoạt động trong quãng thời gian hơn 3 năm qua. Cũng dẫn đến việc tài sản do phạm tội mà có bị thất thoát đi nhiều" - ông Khang phân tích.
Theo ông Khang, cơ quan chức năng cần tiến hành tạm giữ những tài sản khác được chi trả bằng nguồn tiền từ địa ốc Alibaba như tiền, hiện vật tặng thưởng cho nhân viên trong quá trình hoạt động để tăng cường khả năng thu hồi hồi tài sản trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nói về khả năng trả lại tiền cho các nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn địa ốc Alibaba, luật sư Phạm Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, đây là quy trình bắt buộc về giải quyết dân sự trong vụ án hình sự.
Khi xác định được tội danh của các đối tượng liên quan trong vụ án, căn cứ vào số tài sản thu được và bằng chứng của các nạn nhân đưa ra, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu hoàn trả lại số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
Trong trường hợp, người thi hành án không thực hiện được nghĩa vụ dân sự của mình thì cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trường hợp không có tài sản hoặc không có điều kiện thi hành án thì được xác định là rủi ro cho nạn nhân, đồng nghĩa với việc nạn nhân không lấy lại được số tài sản bị lừa đảo.
"Việc hoàn trả tiền cho nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại địa ốc Alibaba sẽ được căn cứ vào các tài liệu phiếu thu, hợp đồng mà doanh nghiệp này đã ký với khách hàng.
Nếu là phiếu thu dưới dạng hợp đồng góp vốn mà chưa phải là hợp đồng mua bán thì đây được coi là thỏa thuận dân sự, giao dịch giữa 2 bên, khi xảy ra rủi ro thì 2 bên ký kết chịu trách nhiệm với nhau.
Người góp vốn muốn lấy lại được số tiền đã đầu tư thì phải nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự tới cơ quan tòa án" - ông Hướng cho hay.
Cũng theo ông Hướng, với số nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở địa ốc Alibaba lên tới gần 7.000 người, không trường hợp nào giống trường hợp nào thì việc xác định vấn đề dân sự của từng nạn nhân trong vụ án cần mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, để lấy lại được tài sản đã mất thì các nạn nhân không còn cách nào khác là làm đơn tố cáo và gửi những tài liệu liên quan tới cơ quan chức năng.
Vân Nam (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm