Sức khỏe

Tin tức

Dịch COVID-19 ngày 18-2: Thêm 93 ca tử vong ở tỉnh Hồ Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Số ca nhiễm mới ở tỉnh Hồ Bắc tính tới cuối ngày 17-2 là 1.807 ca và số ca tử vong mới là 93 ca. Trong khi đó, Mỹ đã sơ tán hơn 300 công dân từ du thuyền bị cách ly ở Nhật Bản về nước.
 Một phụ nữ đeo khẩu trang và mặc áo mưa để bảo vệ mình tại một ga tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ đeo khẩu trang và mặc áo mưa để bảo vệ mình tại một ga tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS
Số liệu cập nhật lúc 6h sáng 18-2 từ Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho thấy tính tới cuối ngày 17-2, có thêm 1.807 ca nhiễm mới và 93 ca tử vong mới trên toàn tỉnh Hồ Bắc vì dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).
Trong đó chỉ riêng tâm dịch Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc), có 1.600 ca nhiễm mới và 72 ca tử vong mới.
Như vậy, tổng số ca nhiễm do COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc hiện là 59.989 ca và số tử vong là 1.789 ca. Trước đó một ngày, tỉnh này công bố có 1.933 ca nhiễm mới và 100 ca tử vong mới.
Cập nhật lúc 6h10 từ báo South China Morning Post cho thấy như vậy trên thế giới, đã có 73.348 ca nhiễm, 1.868 ca tử vong và 10.615 ca hồi phục.
 
Hơn 300 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess về đến Mỹ 
Hãng tin Reuters cho biết có 338 công dân Mỹ đã đến Mỹ và được cách ly ngày 17-2, sau hai tuần bị kẹt lại trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ở Yokohama, Nhật Bản.
Trong số này, 14 người dương tính với virus corona chủng mới cũng được phép lên máy bay vào phút chót. Họ đã được cách ly tại các khu đặc biệt trên hai chuyến bay do Mỹ thuê, để chở tới các căn cứ quân sự Mỹ cách ly, theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dùng huyết tương là cách tiếp cận "rất có giá trị"
Các bác sĩ ở Thượng Hải đang sử dụng phương pháp truyền huyết tương từ người nhiễm COVID-19 đã hồi phục để chữa trị cho những người đang bị nhiễm, sau khi phát hiện các kháng thể trong huyết tương của họ có khả năng chống lại virus corona chủng mới. Ông Lư Hồng Châu tại Trung tâm lâm sàng y tế công cộng Thượng Hải tin tưởng rằng phương pháp này có thể "rất hiệu quả".
Hãng tin Reuters ngày 18-2 dẫn lời Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bình luận đây là một cách tiếp cận "rất có giá trị".
"Đây là một lĩnh vực khám phá rất quan trọng và tôi tin rằng họ đang bắt đầu các cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc. Đây là một cách rất có giá trị để tìm ra cách chữa bệnh, đặc biệt khi chúng ta không có vắc xin và không có các thuốc đặc trị virus corona chủng mới" - ông Ryan bình luận, nhưng cho biết phải có sự tính toán thời gian chính xác để tăng cường tối đa hệ miễn dịch của người bệnh.
Theo Bảo Anh (TTO)

Có thể bạn quan tâm