Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn hơi được buôn lậu qua biên giới. Ảnh: PV |
Theo các chuyên gia chăn nuôi, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) sang Việt Nam rất cao qua việc buôn lậu thịt lợn, đặc biệt là lợn sống qua các tuyến biên giới.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9.2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa Châu Âu và Châu Á ghi nhận bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLC) với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con.
Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), DTLCP hiện chưa có vắcxin và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người. Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Vì virút dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, virút có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.
Người dân khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng chống theo quy định, đặc biệt phải dừng việc vận chuyển, lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi vùng dịch tránh để dịch lây lan.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bệnh DTLCP này lây lan nhanh, khả năng gây chết trên đàn lợn cao, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu không được chủ quan, kiểm soát tốt nguồn thịt lợn và các sản phẩm nhập khẩu từ lợn.
Người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX xác định công tác phòng chống dịch rất quan trọng, không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vắcxin; chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng; hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học…
Đặc biệt, người dân, các trang trại, doanh nghiệp cần bình tĩnh, kiểm soát tốt đàn gia súc để đề phòng dịch bệnh, tuyệt đối không tự ý giết, mổ, tiêu hủy không có ý kiến của cơ quan thú y, đề phòng tình trạng giết mổ lợn hàng loạt thiếu căn cứ, gây thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực thiếu lên nguồn hàng thịt lợn vào dịp cuối năm.
KH.V (LĐO)