(GLO)- Ngày 16-10-1976, 183 hộ dân của phường Yên Đổ (thị xã Pleiku) đã cùng nhau di cư ra điểm kinh tế mới 17-3 (nay thuộc phường Yên Thế, TP. Pleiku). Đối tượng thuộc diện giãn dân là những gia đình không có ruộng đất để sản xuất, tự nguyện đăng ký với chính quyền đi khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất mới. Sau 40 năm, mảnh đất cằn cỗi, hoang vu ngày ấy đã thay đổi mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chuyện 40 năm trước…
Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, ông Dương Lai-nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp 17-3 xúc động nói: “40 năm trước, mảnh đất này hoang sơ lắm, cỏ dại um tùm, không có lối đi lại, ai cũng thấy ngại. Chúng tôi tới đây với đôi bàn trắng, cuộc sống thiếu thốn, khổ cực trăm bề, ngay cả lương thực cũng không có. Ở thời điểm gian khó nhất ấy, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là niềm vinh dự khi vùng đất mình lập nghiệp mang tên ngày giải phóng tỉnh, trở thành động lực to lớn để chúng tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách”.
Anh Chức là thế hệ kế thừa phát triển kinh tế trên điểm kinh tế mới 17-3. Ảnh: P.L |
Khi ra đến điểm kinh tế mới, tổng diện tích đất quy hoạch là 192 ha, trong điều kiện vật chất chưa có gì, mỗi hộ được chia 1 ha đất để làm nhà và canh tác. Các hộ gia đình còn có thể khai hoang, mở rộng diện tích. Công việc đầu tiên cho cuộc sống ở vùng đất mới là xây dựng nhà cửa, có hộ dỡ nhà cũ đem ra dựng lại, có hộ được chính quyền hỗ trợ tranh nứa, những căn nhà tranh vách đất nhanh chóng được xây dựng. Nhà nước còn hỗ trợ các hộ dân 6 tháng lương thực. Tuy nhiên, lương thực cũng có hạn, bắt buộc mọi người phải tìm cách trồng thêm lúa rẫy, khoai, mì. “Không khí hôm đó nhộn nhịp lắm, ai cũng hồ hởi khi đến vùng đất mới, dẫu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn gắn bó với nhau bằng tình cảm chân thành, đoàn kết, hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế”-ông Dương chia sẻ thêm.
Với tất cả quyết tâm, nỗ lực của người dân, vụ mùa đầu tiên cho năng suất cao, ai cũng phấn khởi. Năm 1979, Hợp tác xã Nông nghiệp 17-3 được thành lập; tổ chức sản xuất mới ra đời, phát huy được tinh thần tập thể, huy động được nguồn lực của địa phương trong thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trường học, trạm y tế cũng nhanh chóng được dựng lên bằng nhà tranh vách đất, nhằm chăm lo sức khỏe nhân dân và học hành của con em trong điểm kinh tế mới. Năm 1982, khi người dân đã dần ổn định được cuộc sống, UBND thị xã Pleiku đã triển khai trồng thí điểm 4 ha cà phê, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, diện tích cà phê ngày càng được mở rộng. Cuộc sống của người dân cũng khấm khá hẳn lên, thu hút được người dân từ các nơi đổ về lập nghiệp.
Bắt sỏi đá hóa thành cơm
Từ một vùng đất hoang vu, với sự quyết tâm của nhân dân, đường lối đúng đắn của Đảng trong phát triển kinh tế, diện mạo điểm kinh tế mới 17-3 đã có nhiều đổi thay. Tất cả người dân đều hăng hái thi đua sản xuất, sẵn sàng lao động để biến vùng đất cằn cỗi thành những vườn cà phê trù phú. Ông Dương Lai kể lại với giọng run run xúc động: “Tôi không bao giờ quên cảm giác sung sướng khi được thu hoạch vụ cà phê đầu tiên, những quả cà phê chín đỏ, trĩu nặng, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Dần dần, quen việc, những vụ mùa sau đều cho năng suất cao, cuộc sống không còn nghèo đói như xưa, con cái tôi đều được học tập đến nơi đến chốn. Quyết định về lập nghiệp ở đây thật đúng đắn, tôi cũng rất tự hào khi là một trong những người đầu tiên khai hoang, vỡ đất năm ấy”.
Từ điểm tựa này, những thế hệ sau cũng đang phấn đấu, nỗ lực hết mình để làm giàu trên chính mảnh đất ấy. Gia đình anh Nguyễn Văn Chức, tổ 15 là một điển hình như thế. Anh Chức chia sẻ: “Năm 1981, gia đình tôi mới đến lập nghiệp tại Yên Thế; hồi đó, vườn nhà tôi cũng rộng lắm, cà phê được giá nên gia đình chú trọng phát triển cây trồng này. Sau này, nhu cầu thưởng lãm, chơi hoa của người dân tăng cao, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tôi đã chuyển sang nghề chăm sóc cây cảnh. Hiện tại, sau hơn 20 năm kinh nghiệm, tôi có gần 800 gốc mai cho thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng. Tôi cũng rất vui vì đã đóng góp một chút công sức vào việc phát triển kinh tế của địa phương”.
Bây giờ, điểm kinh tế mới 17-3 đã được quy hoạch thành tổ 12, 13, 14, 15, 16 và 17 (thuộc phường Yên Thế). Thật khó có thể hình dung một vùng đất hoang vu thuở ấy đã được khoác lên mình tấm áo mới của một đô thị hiện đại và phát triển, chợ búa nhộn nhịp; những cửa hiệu kinh doanh mọc lên san sát; đường nhựa, bê tông trải dài; trường học, trạm xá khang trang… Đối với người dân TP. Pleiku, ký ức về những năm tháng khổ cực, đầy vất vả hy sinh ấy sẽ còn tiếp tục được kể lại cho thế hệ mai sau như một bài học để nhắc nhớ về lòng yêu nước, tinh thần hăng say lao động để xây dựng và bảo vệ quê hương. Trao đổi với P.V, anh Phạm Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Thế nhấn mạnh: “Điểm kinh tế mới 17-3 đã đổi thay rất nhiều, từ 183 hộ dân ngày mới thành lập, giờ đã phát triển, thu hút được 1.539 hộ dân đến đây lập nghiệp; hộ nghèo chỉ còn 43 hộ, còn lại là khá giả. Các cây trồng như tiêu, cà phê và các ngành nghề kinh doanh vẫn sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp chung vào sự thay đổi diện mạo đô thị của tỉnh nhà...”.
Phan Lài