Theo giới chuyên gia, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2020 sẽ là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại trong khu vực.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, APEC năm nay diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong 2 ngày 19 và 20-11, với sự chủ trì của Malaysia và quy tụ 21 nước thành viên trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương.
Với sự có mặt của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, APEC hiện chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại diễn đàn này trong những năm gần đây, sau khi Washington quay lưng với các tổ chức đa phương và Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết", rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, các hội nghị APEC bị phủ bóng bởi căng thẳng từ thương chiến Mỹ - Trung khi 2 nước áp thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỉ USD của nhau.
Tàu sân bay và tàu chiến tham gia tập trận Malabar trên biển Ả Rập hôm 17-11. Ảnh: AP |
Việc truyền thông Mỹ dự đoán ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ làm dấy lên hy vọng Washington sẽ tham gia tích cực hơn vào APEC. Tuy nhiên, ông Richard Fisher, cựu phó đại diện thương mại Mỹ, cảnh báo ông Biden sẽ phải "sáng tạo" và "tốn nhiều thời gian" trong nỗ lực tái thiết quan hệ với các đối tác thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khi Trung Quốc và 14 quốc gia trong khu vực vừa ký kết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
"Mỹ từng được xem là nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Các nước khác chẳng thể làm gì nếu không có Mỹ. Giờ đây, họ đã làm đôi điều mà không có Mỹ ở Thái Bình Dương" - ông Fisher khẳng định với đài CNBC hôm 17-11, đồng thời nhấn mạnh việc Mỹ không tham gia RCEP là một điều đáng lo ngại.
Trong lĩnh vực quân sự, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cùng ngày kêu gọi thành lập Hạm đội số 1 gần khu vực giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nhằm ứng phó triệt để những thách thức trong vùng hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM). Bộ trưởng Braithwaite nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 đồn trú ở Nhật Bản... Việc triển khai một hạm đội mới sẽ rất phù hợp tại những khu vực có nguy cơ xung đột. Quan trọng hơn, nó có thể tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn nhiều".
Bộ trưởng Braithwaite còn cho biết ông sẽ đến Ấn Độ trong vài tuần tới để bàn bạc các thách thức an ninh và phương án hỗ trợ lẫn nhau giữa hải quân 2 nước.Trong khi đó, báo Stars and Stripes cho biết giai đoạn 2 của cuộc tập trận hải quân Malabar ở vùng biển Ả Rập đã bắt đầu vào ngày 17-11, với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya cùng các chiến hạm của Nhật Bản và Úc. Dự kiến kết thúc vào ngày 20-11, đây là lần thứ hai "Bộ tứ kim cương" tập trận chung quy mô lớn như vậy.
Lỗ hổng khổng lồ Rời cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên với phía Ấn Độ vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Mark Esper dừng chân ở Palau trên Thái Bình Dương, còn Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm thêm Maldives và Sri Lanka ở Ấn Độ Dương. Tổng thống Palau Tommy Remengesau đón ông Esper bằng một yêu cầu rất đặc biệt, mời quân đội Mỹ "xây dựng các cơ sở chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên". Theo trang Business Insider, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite hồi tháng 10 từng nhận định: "Palau là một đồng minh tận tâm. Họ ở ngay rìa ảnh hưởng của Trung Quốc và họ đứng về phía chúng ta".
Hải Ngọc |
Theo Cao Lực (NLĐO)