Đô thị

Không gian sống

Điểm sáng xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, Gia Lai) luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt-học tốt. Qua đó, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng lên.
Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 1 điểm trường chính tại trung tâm xã và 6 điểm trường đặt tại các thôn, làng trên địa bàn. Toàn trường có 594 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%. Tuy đứng chân ở xã đặc biệt khó khăn nhưng được sự quan tâm, đầu tư của UBND huyện, sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng lòng yêu nghề, những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực khắc phục thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ.  
Thư viện xanh của Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân góp phần tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: N.Q
Theo cô Đỗ Thị Hằng-Phó Hiệu trưởng nhà trường, để duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, khuyến khích giáo viên tự học, bồi dưỡng, tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy hay, hiệu quả, khơi dậy tính ham học hỏi của học sinh. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra chuyên đề đối với giáo viên thông qua các buổi dự giờ, đánh giá trên lớp. Cụ thể, trong năm học 2018-2019, thông qua các buổi dự giờ, thăm lớp, Ban Giám hiệu nhà trường kịp thời nắm bắt và chỉ đạo việc tăng thời lượng tiếng Việt ở lớp 1 (tăng từ 350 tiết lên 500 tiết); chỉ đạo giáo viên các khối còn lại tăng cường kỹ năng nghe-nói-đọc-viết tiếng Việt, đảm bảo “Học đến đâu, chắc đến đó”. Bên cạnh đó, nhà trường tranh thủ các nguồn lực từ nhà nước và các nhà hảo tâm để đầu tư trang-thiết bị học tập, xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn…
“Do khả năng tiếp thu tiếng Việt của các em tương đối chậm nên nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác tăng cường tiếng Việt. Ngoài các giờ học chính khóa, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao bổ trợ như: Hội thi “Tiếng Việt của chúng em”, “Bước nhảy sân trường”, “Vẽ về mái trường thân yêu”, xây dựng các mô hình thư viện thân thiện, qua đó tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh nhà trường, góp phần tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, thu hút các em đến trường…”-cô Hằng cho hay.
Là học sinh 4 năm liền hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, em Siu Quý (lớp 5A) chia sẻ: “Lúc mới vào lớp 1 em rất bỡ ngỡ khi tiếp cận môn tiếng Việt. Nhưng nhờ sự tận tình chỉ bảo, dạy dỗ của các thầy cô nên khả năng học tiếng Việt của em tốt dần qua các năm. Ngoài ra, nhờ thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa do thầy cô, nhà trường tổ chức nên khả năng giao tiếp, nghe, nói tiếng Việt của chúng em cũng được cải thiện rất nhiều...”.
Với những cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường, kết thúc năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong năm, trường không có học sinh nào bỏ học, tỷ lệ chuyên cần đạt hơn 95%; gần 96% học sinh nhà trường hoàn thành chương trình học, hơn 30% học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung và vượt trội các môn học; hơn 81% giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường; 5/5 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện đều đạt giải… Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, nhà trường được UBND tỉnh công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ I, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn” năm 2019...
Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, thời gian tới, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua dạy tốt-học tốt; “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Duy trì, củng cố và phát triển các loại hình thư viện; triển khai các chuyên đề theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm