(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với giống, vốn, khoa học kỹ thuật…
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của hội viên nông dân xã Ia Hlốp. Ảnh: A.H |
Xã Ia Hlốp hiện có 1.185 hội viên nông dân (chiếm 87,13% số hộ nông nghiệp trên địa bàn xã) trong đó có 479 hội viên người dân tộc thiểu số. Theo bà Đinh Thị Báu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp, chỉ tính riêng năm 2016, Hội đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 300 hội viên; đồng thời tạo điều kiện để hội viên tham gia diễn đàn về “Các giải pháp khôi phục sản xuất cà phê, hồ tiêu sau hạn kéo dài ở khu vực Tây Nguyên” và triển khai nhiều mô hình phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nông dân: nuôi heo bằng đệm lót sinh học, trồng ớt bằng hệ thống tưới tiết kiệm, nuôi bò vỗ béo, trồng hồ tiêu theo hướng bền vững…
Bên cạnh đó, Hội còn mua 52 tấn phân bón trả chậm của Công ty Phân bón An Hưng và Công ty Phân bón IPM Vĩnh Long giúp hội viên nông dân; phối hợp với Công ty Metro Việt Nam trao tặng 10 suất quà cho các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay các chương trình hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hàng tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân gần 1,4 tỷ đồng cho 62 hội viên vay thông qua các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường… Đặc biệt, nguồn quỹ nội bộ gần 100 triệu đồng đã giúp cho nhiều hội viên vay giải quyết khó khăn trước mắt.
Với sự khích lệ kịp thời từ phía Hội Nông dân xã, hàng năm, số hội viên đăng ký tham gia “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững” ngày càng tăng. Đến nay, toàn xã có 782 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Ông Rơmah Yớt (làng Tol) cho hay: “Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội tổ chức, tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích về trồng trọt để áp dụng trên diện tích cây trồng của gia đình. Với 1.000 trụ hồ tiêu, 700 cây cà phê và chăn nuôi thêm heo, bò, gà, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng”. Riêng nông dân Rơmah Pur (làng Plong 1) thu về hơn 200 triệu đồng từ 600 trụ hồ tiêu, 1 ha cà phê, 3 sào lúa nước và chăn nuôi 4 con bò…
“Trong năm 2016, các hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 4.000 công lao động và 55 người có việc làm ổn định, tạo điều kiện cho 15 hộ nông dân thoát nghèo”-bà Đinh Thị Báu nhấn mạnh.
Không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, thời gian qua, “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững” còn khuyến khích hội viên tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Trong năm, cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia làm 4,1 km đường nhựa tại làng Á, làng Gran và thôn 2 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; mở rộng, làm vỉa hè, trồng cây tuyến đường liên xã qua địa bàn thôn 2; nạo vét 3 km kênh mương phục vụ tưới tiêu…
Để tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Thị Báu cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục hướng dẫn hội viên nông dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn cơ cấu giống và lịch gieo trồng vụ Đông Xuân 2016-2017 để hội viên gieo trồng kịp thời vụ. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm, phân bón…
Anh Huy