(GLO)- Người dân làng Máih (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) luôn coi già Kpui Binh là điểm tựa tinh thần để họ vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vợ chồng già Binh phơi cà phê vừa thu hoạch. Ảnh: H.T |
Ông Ksor Toan-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung: “Già Kpui Binh là một nhân tố đắc lực của xã trong vận động bà con phát triển kinh tế và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, già Binh vừa tham gia chiến đấu vừa vận động bà con sản xuất để cung cấp lương thực cho cách mạng. Khi đất nước hòa bình, già được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Ia Hrung 2 nhiệm kỳ. Nghỉ hưu, già lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, tổ trưởng tổ hòa giải của làng Máih. Dù ở cương vị nào, già Binh cũng làm tốt nhiệm vụ của mình nên già luôn được chính quyền và nhân dân tin tưởng, yêu mến”. |
Biết ban ngày già Binh bận thu hái cà phê nên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung-Ksor Toan dẫn tôi đến nhà già lúc đàn gà đã vào chuồng. Trên khoảng sân rộng đầy ắp cà phê, vợ chồng già Binh đang thoăn thoắt cào luống. Già cho biết, gia đình hiện có 2 ha cà phê, năm nào được mùa cho thu gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, già còn nuôi 10 con bò, trồng 7 sào lúa nước 2 vụ, mỗi vụ cho thu trên 3 tấn lúa. Kinh tế khá giả là vậy nhưng chưa khi nào già Binh thấy hài lòng bởi kinh tế gia đình có đi lên thì già mới vận động được bà con trong làng làm theo. Già Binh bộc bạch: “So với 5 năm trước, kinh tế của làng đã có bước phát triển nhưng hộ nghèo vẫn còn chiếm đến 13%. Bởi vậy, mình muốn bà con phải thoát được cái nghèo và xã cũng nhanh chóng đạt chuẩn nông thôn mới”.
Với suy nghĩ đó, ban ngày, già Binh chăm chỉ lên rẫy. Tối đến, già lại đi vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực đổi công cho nhau để giảm bớt chi phí sản xuất. Trên cơ sở đó, già nắm tình hình từng gia đình để có sự hỗ trợ kịp thời. Anh Ksor Yh-một hộ dân trong làng nói: “Già Binh tốt lắm. Hộ nào thiếu giống, già hỗ trợ giống; hộ nào năng suất cây trồng chưa cao, già hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Từ cây lúa nước một vụ, già vận động dân làng chuyển sang trồng 2 vụ. Già còn vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày sang trồng cà phê và hồ tiêu để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống của bà con dần được cải thiện, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi. Nhiều gia đình sắm sửa được ti vi, xe máy và máy móc đắt tiền phục vụ cho sản xuất. Bà con trong làng biết ơn già Binh lắm”.
Không chỉ vận động bà con chăm chỉ lao động sản xuất để thoát nghèo, già Binh còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở thanh-thiếu niên trong làng chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Hàng năm, già tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, góp phần giữ ấm tình làng, đoàn kết nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa và phong trào khuyến học cũng được bà con chú trọng nhờ sự vận động của già. Cuối năm 2015, làng có 100 hộ thì có đến 54 hộ đạt gia đình văn hóa; 3 năm liền (từ 2013 đến 2015), làng được công nhận là làng văn hóa. Già Binh tự hào nói: “Xã hội ngày càng phát triển thì mình phải phấn đấu cho làng được tiến bộ theo. Có như vậy thì con cháu của làng mới không bị thiệt thòi”. Còn bà Ksor Alinh (vợ già Binh) nói: “Ngày nào ông ấy cũng đi làm rồi đi vận động bà con đến quên cả ăn cơm. Nhưng những việc làm của ông ấy đều có ích cho gia đình và dân làng nên tôi luôn ủng hộ. Tôi chỉ mong trời cho ông ấy được khỏe mạnh để ông còn có sức mà đi”.
Hồng Thương