(GLO)- Suốt 28 năm qua, ông Siu Plim-già làng Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) luôn hết lòng vì dân làng và chưa cho phép mình có một ngày ngơi nghỉ. Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi song ngày ngày, già vẫn rảo bước trên đường làng, ghé thăm từng nhà, động viên các gia đình chăm lo phát triển kinh tế, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động gây mất đoàn kết…
Già Siu Plim hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Ảnh: A.H |
Ông Rơ Châm Úy-Bí thư Đảng ủy thị trấn Ia Ly: Già Plim rất tích cực tuyên truyền, vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục; vận động, giúp đỡ những người lầm lỡ trở về với cộng đồng… Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu nhưng già vẫn không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động của làng và tham gia công tác tại thị trấn với chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. |
22 tuổi, chàng trai Jrai của làng Bloi nghe theo tiếng gọi của Đảng lên đường cầm súng đánh giặc. 3 năm sau, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tuyên huấn của tỉnh, Siu Plim bị địch bắn trọng thương ở lưng phải nằm điều trị ròng rã suốt một tháng liên tục. Rời bệnh viện nhưng vì lý do sức khỏe, Siu Plim được cho đi học sư phạm và về công tác tại ngành Giáo dục của tỉnh cho đến khi nghỉ hưu-năm 1981.
Trở về làng, mỗi ngày chứng kiến bà con phải đối diện với vô vàn khó khăn từ chính những tập tục lạc hậu, rồi một số người dân vì nhẹ dạ cả tin nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động tìm đường vượt biên sang Campuchia… già không cho phép mình nghỉ ngơi. Trong khoảng thời gian này, già tích cực tham gia công tác Mặt trận, Ban hòa giải của làng và được dân làng tin tưởng bầu làm già làng từ năm 1989 cho đến nay. Ở cương vị mới, già luôn trăn trở, làm thế nào để dân làng hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mạnh dạn xóa bỏ các hủ tục trong sản xuất, chăn nuôi và cuộc sống hàng ngày; không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục gây mất đoàn kết…
Dù vậy, già cũng không cho phép bản thân nóng vội! Bởi già biết, thay đổi nếp nghĩ, cách làm không phải là chuyện một sớm, một chiều mà phải từ từ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Già bảo, nói một lần dân làng chưa nghe, già nói nhiều lần, mà lần nào cũng nhấn mạnh phải có làm mới có ăn, có học mới có hiểu biết; làm gì cũng phải kiên trì, nhẫn nại và không ngừng phấn đấu. Không chỉ nói suông, để dân nghe, dân tin, già vận động chính con cháu của mình phải noi gương trong cuộc sống hàng ngày lẫn trong phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, gia đình già là gia đình tiêu biểu của làng, của thị trấn trong phát triển kinh tế. Với hơn 3 ha đất, già Plim dành 4 sào trồng lúa nước 2 vụ, 3 sào trồng mì, 1 ha trồng bời lời, 1,3 ha trồng cà phê, 8 sào trồng cao su tiểu điền. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình già thu về trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, già còn tích cực giúp đỡ về giống, vốn không tính lãi đối với một số hộ khó khăn. Ông Siu Bro-một người dân trong làng cho biết: “Già Siu Plim thường “nói đi đôi với làm” nên người dân trong làng luôn tin tưởng, quý mến. Nhờ có già Plim tận tình hướng dẫn nên bà con đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các hộ dân trong làng đã biết trồng lúa nước hai vụ, biết cải tạo vườn tạp để tăng năng suất cây trồng… Người dân cũng yên tâm lao động sản xuất, nâng cao tinh thần cảnh giác, không còn nghe theo lời kẻ xấu lôi kéo, kích động; các cháu đều đến trường…”.
Không chỉ quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân trong làng, già Siu Plim còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng từng theo FULRO quay trở về với gia đình, làm ăn lương thiện… Anh Siu Hyer-một người từng lầm đường lạc lối đã trở về tái hòa nhập cộng đồng, bộc bạch: “Vì muốn hưởng cuộc sống giàu sang mà không phải lao động, mình đã tin theo lời kẻ xấu, bỏ lại gia đình, tìm cách vượt biên sang Campuchia. Giờ nhớ lại khoảng thời gian sống lẩn trốn trong rừng, vừa đói, vừa rét, mình vẫn còn sợ!”.
Sau khi đặt chân lên đất Campuchia, Hyer mới nhận ra rằng, cuộc sống giàu sang mà không phải lao động là những lời bịa đặt. Rồi Hyer quyết định tìm đường quay trở về làng quê, xin dân làng tha thứ. Mang theo mặc cảm tội lỗi, Siu Hyer luôn lo sợ dân làng sẽ xa lánh, nhưng may có già Plim đứng ra vận động, giải thích, cuối cùng anh cũng được bà con tha thứ và đón nhận. “Bây giờ, dù kẻ xấu có hứa hẹn thế nào, mình cũng không tin nữa đâu! Mình cũng nói dân làng đừng có nghe theo, vì không đâu bằng buôn làng mình hết và cũng không ai yêu thương mình bằng gia đình!”-anh Siu Hyer nói.
Theo già Siu Plim, các đối tượng từng lầm đường lạc lối trở về tái hòa nhập cộng đồng đều cố gắng sản xuất, nuôi dưỡng con cái và hiện nay kinh tế các hộ này đều khá giả. “Người dân làng Bloi nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên nhiều gia đình đã có của ăn, của để, con cái học hành thành tài; trong làng không còn tổ chức các lễ hội linh đình gây tốn kém tiền bạc, thời gian; người ốm đã biết đến các cơ sở y tế để khám bệnh,…
Bộ mặt của làng đã có nhiều thay đổi, mình rất mừng!”-già Siu Plim phấn khởi. Hiện trên 30% hộ dân làng Bloi có cuộc sống khá giả; 50% hộ dân có cuộc sống trung bình; 95% hộ có phương tiện nghe nhìn; trên 70% hộ có xe máy; 100% hộ thực hiện nếp sống văn minh, ăn chín uống sôi, có nhà vệ sinh. Hàng năm, trong làng luôn có 80% hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” và làng luôn đạt danh hiệu “làng văn hóa” cấp huyện…
Anh Huy-Phan Dũng