Kinh tế

“Điểm tựa” của nông dân Glar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có hơn 2.200 hộ sản xuất nông nghiệp, đa số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, Hội Nông dân (ND) xã hướng mọi hoạt động về hội viên, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trong quá trình hoạt động, Hội ND xã Glar thường xuyên phối hợp với chi bộ các thôn, làng xây dựng, củng cố, kiện toàn các chi hội. Giai đoạn 2018-2023, Hội đã phát triển hơn 430 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn xã lên 1.720 người, chiếm khoảng 77,5% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, Hội chú trọng phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tổ chức Hội cho gần 3.000 lượt hội viên. Tuyên truyền phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, hội viên nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và phong trào ND.

Mô hình vườn cà phê chi, tổ hội nông dân làng Dôr 1, xã Glar. Ảnh: T.N

Mô hình vườn cà phê chi, tổ hội nông dân làng Dôr 1, xã Glar. Ảnh: T.N

Bà Nhiêm-Chủ tịch Hội ND xã-cho hay: Glar có 9 làng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân còn hạn chế. Do vậy, Hội xem việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Hội tập trung tuyên truyền ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, thường xuyên vận động gia đình hội viên giúp đỡ nhau kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống.

Thông qua việc phối hợp với các ngân hàng, Hội ND xã hỗ trợ thủ tục vay vốn để bà con đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay với tổng dư nợ gần 14,7 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho 175 hộ vay với tổng dư nợ 10,9 tỷ đồng qua 7 tổ liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn Quỹ Hỗ trợ ND huyện đã giải ngân 275 triệu cho 8 hộ vay để chăn nuôi. Đồng thời, tất cả 9 chi hội vận động hội viên tham gia đóng góp xây dựng nguồn Quỹ nội bộ cho hộ khó khăn vay để phát triển sản xuất. Nhờ đó, Hội đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo tại xã xuống còn 4,37% theo tiêu chí đa chiều mới.

Nếu năm 2017 xã Glar có 250 hộ hội viên ND đăng ký tham gia phong trào “ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thì năm 2022 có 560 hộ tham gia. Từ phong trào này, Hội ND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tham quan, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cho ND.

Sản xuất phát triển, thu nhập cải thiện nên tỷ lệ hộ đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm chiếm hơn 70% số hộ đăng ký. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều điển hình ND sản xuất giỏi như ông Uê (làng Tuơh Klăh), ông Yơu (làng Dôr 1), ông Đưm (làng Groi 2). Ông Pun (làng Dơk Rơng) cho hay: “Nhờ sự quan tâm hướng dẫn của tổ chức Hội, gia đình tôi có điều kiện phát triển sản xuất, thu nhập hàng năm khoảng 400 triệu đồng”.

Một góc trung tâm xã Glar. Ảnh: Thanh Nhật

Một góc trung tâm xã Glar. Ảnh: Thanh Nhật

Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, Hội ND xã còn phối hợp xây dựng mô hình Nông hội chăn nuôi dê. Ông Alững-Chủ nhiệm Nông hội-cho hay: “Bước đầu, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực. Các thành viên làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lấy lá làm thức ăn cho dê và bán sản phẩm cho các đầu mối thu mua. Đến nay, Nông hội có 16 thành viên, tổng đàn dê hơn 200 con, dê giống khoảng hơn 80 con”.

Mặt khác, Hội ND xã phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (làng Tuơh Ktu) triển khai 2 tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững. Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình củng cố 5 vườn canh tác mẫu có diện tích khoảng 12 ha với 36 thành viên tham gia. Tới đây, mô hình phát triển lên khoảng 70 ha. “Không những giúp vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng mà cách làm trên còn tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Hợp tác xã cũng đã triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh phục vụ hơn 650 hộ, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất cà phê bền vững và bao tiêu đầu ra, hỗ trợ cho bà con giai đoạn đầu chuyển đổi phương thức canh tác mới”-bà Nhiêm cho biết thêm.

Trao đổi cùng P.V, ông Y Djit-Chủ tịch Hội ND huyện Đak Đoa-nhận xét: Hội ND xã Glar đã có nhiều giải pháp giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm