Chính trị

“Điểm tựa” vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai còn tiên phong trong việc vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chung tay cùng lực lượng chức năng bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc.

Bà Siu H' Phin, làng Goong xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Ảnh: V.H

Bà Siu H' Phin, làng Goong xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Ảnh: V.H

Trò chuyện cùng chúng tôi, nữ già làng Siu H’Phin (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) khẳng định: “Muốn làm được việc lớn, bảo vệ biên cương vững chắc, buôn làng bình yên thì phải phát huy sức mạnh tập thể. Toàn thể bà con phải chung tay mới đuổi hết những kẻ xấu, xóa bỏ trộm cắp, phá hoại rừng, xâm phạm đường biên, cột mốc”.

Với vai trò của mình, những năm qua, nữ già làng H’Phin luôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không xâm canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, nếu phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo ngay cho cán bộ xã hoặc bộ đội Biên phòng.

Điểm chung của những già làng, người có uy tín trên địa bàn biên giới mà chúng tôi gặp là họ biết kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, xây dựng các quy ước, hương ước trong từng dòng tộc và cộng đồng dân cư, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc giải thích, vận động người dân nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục.

Đại tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Các già làng, người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong trong việc tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Ông Hồ Trung Kiên-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ-cho biết: Trên địa bàn huyện có 42 già làng, người có uy tín. Những năm qua, các già làng, người có uy tín luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là “đầu tàu” trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Họ đã góp phần bảo quản, lưu giữ 24 nhà rông của làng, 3 nhà rông của xã, 1 nhà rông của huyện, 215 bộ cồng chiêng; truyền dạy các bài chiêng cho lớp trẻ. Hiện tất cả 10 xã, thị trấn trong huyện đều có đội cồng chiêng.

Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín còn là những hạt nhân tích cực trong giữ gìn an ninh trật tự thông qua việc tham gia các tổ tự quản, bảo vệ an ninh trật tự khu dân cư, tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc. Họ đã cung cấp cho lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin có giá trị để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và bảo vệ bình yên khu vực biên giới.

Huyện Đức Cơ gặp mặt, biểu dương các già làng, người có uy tín trên địa bàn. Ảnh: V.H

Huyện Đức Cơ gặp mặt, biểu dương các già làng, người có uy tín trên địa bàn. Ảnh: V.H

Không những vậy, các già làng, người có uy tín còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, hạn chế tình trạng di cư tự do, xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, khai thác rừng trái phép, truyền đạo trái phép... trên địa bàn biên giới.

Tiêu biểu như ông Siu Deo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom) đã tuyên truyền người dân thực hiện tốt hương ước, trong đó có việc “Không tổ chức ma chay, cưới hỏi quá 2 ngày”; ông Rơ Mah En (người uy tín làng Chan, xã Ia Pnôn) vận động bà con thực hiện quy định “Nếu gia đình nào để con cái xảy ra tảo hôn thì chịu kiểm điểm trước làng”...

Suốt 10 năm qua, già làng Siu Bình (75 tuổi, làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cùng tổ tự quản kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. “Nhìn thấy cột mốc, đường biên giới không xáo trộn là vui. Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, vì đó là chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thiêng liêng, là bất khả xâm phạm”-già Siu Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, già Siu Bình còn tích cực tham gia trong các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Nhờ đó, làng Sơn nhiều năm liền không có hộ gia đình xâm canh, xâm cư trái phép, việc qua lại biên giới của người dân thực hiện đúng quy định.

Có thể bạn quan tâm