Luang Prabang - cố đô của Lào những ngày tháng 5, nắng có, mưa có và có cả những cơn gió đầu hè thổi qua những góc phố di sản.
Nằm ẩn mình giữa núi rừng của miền Thượng Lào và dòng Mekong hùng vĩ, Luang Prabang (Luang) chào đón du khách phương xa bằng sự mát lành và duyên dáng. Quãng đường từ Hà Nội đến thành phố di sản của Lào dài gần 900 km, trong đó 700 km là đường đèo.
Bến xe Luang nằm ở ngoại vi thành phố. Chúng tôi bắt một chiếc xe tuk tuk đi vào trung tâm, đến khách sạn đã đặt trước trên con phố Kingkitsarath nằm giữa núi Phousi và con sông Nam Khan. Mở cửa sổ, một luồng gió mát lạnh từ sông thổi vào làm dịu hẳn cái oi nồng của những ngày đầu hè. Một đêm ngon giấc trên đất Luang nhẹ nhàng đến như chính sự tĩnh mịch của vùng đất này.
Khung cảnh mặt trời mọc qua cửa sổ khách sạn thu vào mắt tôi là rặng núi xa xăm thoắt hiện thoắt ẩn dưới đám mây rừng. Ngôi nhà kết hợp kiến trúc Pháp và truyền thống của người Lào ẩn mình dưới bóng dừa đẹp đến nao lòng.
Chúng tôi cũng được lễ tân khách sạn giới thiệu về hoạt động hành khất của các nhà sư vào khoảng 5-6h sáng trên những tuyến phố trung tâm. Sáng đó, do mải mê ngắm hoàng hôn hôm trước mà chúng tôi đã bỏ lỡ, ngày tiếp theo chúng tôi nhất định phải tham gia hoạt động thú vị này.
Ngắm đã mắt rồi, chúng tôi phải kiếm ngay cái gì để bỏ bụng. Lựa chọn tốt nhất đó chính là chợ Luang. Chợ tọa lạc phía trái của Cung điện Hoàng gia nay là Bảo tàng Quốc gia Luang Prabang. Ngôi chợ nhộn nhịp bày bán rất nhiều đồ ăn của Lào như: gà nướng, thịt lợn nướng, các món ăn từ măng và có cả những món bún khá giống với Việt Nam.
Ở phía trung tâm chợ, có một quán bún rất đông khách, chủ yếu là người bản địa. Chúng tôi được hai cô chú người Lào giới thiệu món bún nước cốt dừa ăn kèm với thịt lợn và các loại rau thơm. Nói chuyện thì được biết cô chú hiện là bác sĩ ở Bệnh viện Luang và là cựu sinh viên của trường Đại học Y Thái Bình những năm 90. Cuộc nói chuyện diễn ra bằng tiếng Việt khiến chúng tôi thấy gần gũi như đang ở Việt Nam vậy.
Dọc lối đi chính, những loại hoa quả nhiệt đới như dưa hấu, xoài, dứa được bày bán rất nhiều. Chúng tôi được biết, tại chợ này, tiểu thương không hề nói thách. Những người bán hàng luôn thường trực trên môi nụ cười tươi rói và vui vẻ đáp lại câu hỏi: “How much?” của du khách bằng “Sa bai dee” (xin chào), “Khop chai” (cám ơn).
Lượn một vòng quanh chợ, chúng tôi ai nấy đều no căng bụng với những món ăn đậm hương vị của xứ sở triệu voi. Bữa sáng như vậy là quá đủ, đủ để khám phá thành phố di sản xinh đẹp này.
Chỉ cần đi hết chợ là chúng tôi đã đặt chân tới Cung điện Hoàng gia, nay được mở cửa cho khách du lịch tham quan để hiểu rõ hơn về triều đại phong kiến cận và hiện đại của dân tộc Lào. Từ thế kỷ thứ 14 đến năm 1946, Luang Prabang là kinh đô của Vương quốc tên Lang Xan và trước khi trở thành cố đô vào năm 1975, đây vẫn là trung tâm của Vương quốc Lào.
Thành phố bé nhỏ nằm ở ngã ba sông Mekong và sông Nam Khan là nơi có mật độ chùa trên đầu người cao nhất thế giới với tỷ lệ dân số theo đạo Phật lên tới 98%. Nếu như đứng trên đỉnh Phousi, phóng tầm mắt ra bốn phía, đâu đâu cũng thấy những ngôi chùa với tháp nhọn vươn lên mạnh mẽ, đặc trưng của Phật giáo tại Lào.
Khi đến Luang, bạn nhất định phải ghé thăm ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất mang tên Wat Xieng Thoong. Được xây dựng vào đời vua Setthathirat năm 1559 – 1560, chùa tên gọi Wat Xieng Thoong có nghĩa là chùa của thành phố vàng. Với lối kiến trúc mái cong sát mặt đất cùng vô số những miếu nhỏ và các bức tường điêu khắc, chạm trổ công phu, tinh xảo. Tất cả tạo nên một khung cảnh khiến chúng tôi phải trầm trồ trước sự khéo tay, tỉ mỉ của con người nơi đây.
Trên ảnh là các nhà sư trẻ ngồi nghỉ chân tại chùa Wat Xieng Thoong.
Ngoài những ngôi chùa độc đáo, Luang còn thu hút chúng tôi và du khách bởi rất nhiều ngôi nhà đặc trưng, là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống của Lào và kiến trúc được coi là chuẩn mực của người Pháp. Chính không gian có một không hai đó mà Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Nằm ở phía hạ nguồn của sông Mekong, thác nước Kuang Si nằm cách trung tâm Luang Prabang khoảng 30 km. Bắt một chuyến xe tuk tuk lộng gió Lào, chúng tôi tạm rời xa khu trung tâm trên con đường rợp bóng Teak - loài cây đặc trưng của Lào.
Trái hẳn với cái nóng bỏng rát miền thượng Lào, thác Kuang Si đem lại cảm giác mát lạnh sống lưng. Thác cao khoảng 60 m với nhiều phân tầng khác nhau, uốn lượn ôm lấy những vạt rừng nguyên sinh. Một vài thành viên trong đoàn chúng tôi không thể cưỡng lại dòng nước tươi xanh đang vẫy gọi, họ nhảy ào xuống dòng thác hùng vĩ, thi thoảng lại nghe thấy tiếng la hét đầy sảng khoái của du khách vọng lại.
Tại thác Kuang Si còn có Trung tâm bảo tồn loài Gấu, trang trại Bướm đây là điểm thu hút chúng tôi vì sự mới lạ và gần gũi với mẹ thiên nhiên.
Rời Kuang Si vào xế chiều, chúng tôi được tài xế xe tuk tuk chở về trung tâm, đây là thời điểm thích hợp nhất để ngắm hoàng hôn. Ở Luang, nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất không đâu khác đó là đỉnh Phousi nằm đối diện Cung điện Hoàng gia. Chúng tôi leo tất cả 328 bậc thang để lên được đỉnh Phousi cao khoảng 150 mét. Phóng tầm mắt về phía tây, nơi mặt trời đang từ từ rơi mình lên những dãy núi, ánh nắng in bạc trên dòng Mekong huyền thoại.
Những lưu ý khi du lịch Luang Prabang: Di chuyển: |
Theo Vnexpress