Kinh tế

Điêu đứng vì phân bón kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Lưu Văn Thọ- chủ trang trại tiêu trên 7 ha tại làng Rong- xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) như ngồi trên đống lửa khi vườn tiêu của gia đình bị rụng quả, rụng lá sau khi phun loại phân bón lá mới. Trong khi đó đơn vị cung ứng lại dửng dưng không chịu hợp tác với gia đình và cơ quan chuyên môn để khắc phục tình hình.
Tin quảng cáo... mất tiêu
Trang trại tiêu rộng 7,2 ha của ông Lưu Văn Thọ đang trong giai đoạn kinh doanh cho năng suất và sản lượng ổn định từ nhiều năm nay. Tháng 9-2010, sau khi được giới thiệu tham quan trang trại tiêu của ông Thọ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà- Nguyễn Anh Kết (có địa chỉ tại Hà Nội) đã thuyết trình và giới thiệu 2 sản phẩm phân bón lá sinh học của Công ty có tên KH và NH chuyên xử lý nâng cao năng suất các vườn tiêu cũng như cây trồng khác. Theo ông Kết, vườn xấu, chết sẽ được cứu sống nâng năng suất trở lại, còn vườn tốt cho năng suất cao từ 5 kg đến 8 kg tiêu khô/trụ. Hai loại phân này đã được Công ty áp dụng tại nhiều tỉnh, thành.
Vườn tiêu của ông Thọ sau khi sử dụng phân bón của Công ty cổ phần Thanh Hà. Ảnh: N.D
Vườn tiêu của ông Thọ sau khi sử dụng phân bón của Công ty cổ phần Thanh Hà. Ảnh: N.D
Tin lời, ông Thọ đã mua 600 chai phân bón lá hữu cơ sinh học KH (loại 100 ml) và 150 chai NH của Công ty ông Kết với mức giá trên 66 triệu đồng, cho công nhân xử lý theo đúng quy trình mà ông Kết và cán bộ kỹ thuật Công ty Thanh Hà hướng dẫn phun 4 lần trên toàn bộ diện tích tiêu. Đợt đầu công nhân trang trại bơm thuốc từ ngày 7 đến ngày 10-10, đợt II từ ngày 16 đến ngày 19, đợt III từ 19 đến 23 và đợt IV từ 23 đến 29 dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật Công ty Thanh Hà. Sau khi phun thuốc, toàn bộ vườn tiêu có nhiều biểu hiện rũ và rụng lá hàng loạt… Nghiêm trọng hơn, các chùm quả cũng bắt đầu rụng theo.
Chủ vườn cũng như công nhân rất lo lắng trước việc 7,2 ha tiêu trước nguy cơ giảm năng suất và quan trọng hơn là có thể bị ảnh hưởng trong những năm tiếp theo.
Chối bỏ trách nhiệm?
Sau khi thấy vườn tiêu bị rụng quả non và lá quá nhiều, ông Thọ đã nhiều lần điện thoại thông báo với ông Kết về những hiện tượng trên và đề nghị Công ty vào xử lý. Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần Thanh Hà chỉ trả lời cho qua chuyện, nhiều lần thất hứa không chịu hợp tác cùng chữa trị. Mãi đến ngày 21-10, Công ty Thanh Hà mới cử cán bộ kỹ thuật vào kiểm tra sự việc. Theo nhận định của cán bộ kỹ thuật của Công ty Thanh Hà: Hiện tượng tiêu bị rụng quả và lá nhiều là do các loại sâu bệnh khác, trong đó có bệnh nấm hồng…!  
Còn Chi cục Bảo vệ Thực vật Gia Lai đánh giá hiện tượng rụng quả tại trang trại này không phải bị bệnh đó mà chủ yếu là do dùng phân bón lá. Hiện tại, toàn bộ vườn tiêu đã bị rụng quả từ 12% đến 15%, rụng lá lên đến 25%. Đặc biệt, sau khi chủ trang trại cùng 2 đoàn kiểm tra lập biên bản đề nghị các bên liên quan ký vào thì Giám đốc Công ty Thanh Hà không cho cán bộ kỹ thuật của mình ký vào mà hứa với chủ trang trại là tự mình sẽ vào chữa trị khỏi hiện tượng trên. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng, chủ vườn cũng như cơ quan chuyên môn vẫn không thấy bóng dáng của ông Kết cũng như cán bộ kỹ thuật nào của Công ty Thanh Hà vào "giải độc" cho vườn tiêu, trong khi tiêu vẫn đang rơi rụng từng ngày!
Ông Cao Xuân Hưởng- cán bộ kỹ thuật của trang trại bức xúc nói: Lúc đầu, ông Kết hứa hẹn rất nhiều, nay khi sự việc không theo chiều hướng tốt thì ông lại muốn chối bỏ trách nhiệm. Người trồng tiêu cần cảnh giác với hai loại phân bón lá này.
Hiện tại, giá tiêu trên thị trường đang ở mức cao, nhưng trang trại tiêu của ông Thọ đang đứng trước nguy cơ bị giảm năng suất, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Cách “chăm sóc” khách hàng của Công ty cổ phần Thanh Hà gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm