Du lịch

Điều tra tài nguyên du lịch để hoạch định chính sách phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điều tra tài nguyên du lịch tỉnh là một trong những nhiệm vụ nằm trong Kế hoạch phát triển du lịch năm 2025 vừa được UBND tỉnh Gia Lai ban hành.

Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để có bức tranh tổng quát và cụ thể về các loại tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh, sử dụng lâu dài cho nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều tra tài nguyên du lịch nằm trong kế hoạch tổng thể của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Công tác tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch được thực hiện trong 5 năm (bắt đầu từ năm 2024) trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Việc tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.

Tài nguyên du lịch văn hóa là 1 trong 2 đối tượng điều tra trên phạm vi toàn tỉnh. Ảnh: M.C

Đối tượng điều tra là tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Trong đó, tài nguyên tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử-văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Theo kế hoạch năm 2025, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai khảo sát, đo đạc, thu thập dữ liệu, tài liệu về tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh như: tên tài nguyên du lịch, vị trí, phạm vi, ranh giới hành chính, tọa độ, hình ảnh, video, số liệu, bản đồ, khả năng tiếp cận, đặc điểm, tính chất, các giá trị của tài nguyên; hiện trạng, điều kiện khai thác.

Gia Lai có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú. Trong ảnh Cắm trại giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: M.C

Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Có 2 phương pháp điều tra tài nguyên du lịch là điều tra gián tiếp (thu thập thông tin sẵn có từ các cơ quan, đơn vị quản lý tài nguyên du lịch) và điều tra trực tiếp.

Lâu nay, thác Phú Cường, thác K50, thác Mơ… là những điểm đến nổi bật, nhưng chưa có những thông tin, dữ liệu cụ thể như chiều dài, độ cao, mùa nào có nhiều nước nhất, tọa độ chính xác để đến thác. Do đó, để điều tra tài nguyên du lịch tự nhiên này, phương pháp tiến hành là điều tra trực tiếp thực địa, đo đạc, thu thập thông tin liên quan. Phương pháp này cũng được thực hiện đối với tài nguyên du lịch tự nhiên khác như Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, suối đá cổ Ia Ly…

Kết quả điều tra cho thông tin cơ sở dữ liệu chi tiết và đa chiều để phân loại, đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh. Việc điều tra tài nguyên du lịch cũng được thực hiện theo hình thức số hóa, có sự tham gia, hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin.

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước với hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, hội tụ nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng. Tài nguyên du lịch phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố, mỗi vùng đất lại được thiên nhiên ưu ái ban cho một lợi thế riêng, tạo nên bản sắc độc đáo.

Việc điều tra tài nguyên du lịch giúp thu thập tất cả dữ liệu để có bức tranh tổng quát và cụ thể các loại tài nguyên trong toàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở cần thiết để xây dựng các sản phẩm, khai phá tài nguyên du lịch theo chiều sâu, nhất là với tài nguyên du lịch văn hóa.

Cơ sở dữ liệu được hệ thống hóa phục vụ công tác quản lý và khai thác tối đa tài nguyên hiện có. Từ đó, tỉnh có chính sách kêu gọi đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm