Du lịch

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

Mô hình này được triển khai tại xã Đak Krong (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đang từng bước giúp bà con nông dân hình thành thói quen sản xuất cà phê theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời hướng đến phát triển du lịch sinh thái.

Xã Đak Krong là 1 trong 5 địa phương tại Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn triển khai thí điểm mô hình phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Mô hình thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).

Mới đây, chúng tôi theo chân ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong đến thăm vườn cà phê được chọn triển khai mô hình “Cà phê cảnh quan”. Thời điểm này, người dân đang rộn ràng thu hoạch cà phê.

Ông Dương thông tin: Mô hình được triển khai từ năm 2021 với sự tham gia của 185 thành viên cùng cộng tác viên của HTX trên diện tích hơn 320 ha. Từ khi được chọn triển khai mô hình này, HTX liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) tập huấn kỹ thuật trồng cà phê theo các tiêu chí của mô hình “Cà phê cảnh quan” như: trồng xen cây chắn gió và giữ thảm cỏ để tạo ra nhiều tầng sinh thái, áp dụng kỹ thuật trồng cà phê theo hướng hữu cơ để tạo sự bền vững và bảo vệ môi trường.

Nhờ vậy, vài năm gần đây, vườn cà phê phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2024, năng suất đạt khoảng 4 tấn cà phê nhân/ha, cao hơn 20% so với năm 2023”-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong cho biết.

Anh Hngun (làng Đak Mông, xã Đak Krong) có 3 ha cà phê tham gia mô hình. Anh chia sẻ: “Tôi tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân đã được hướng dẫn trước đó. Áp dụng theo cách thức này, vườn cây cho năng suất cao".

Cạnh vườn anh Hngun, gia đình anh Hinh cũng đang thu hoạch cà phê. Anh Hinh cho hay: Gia đình có 3 ha cà phê, trong đó, 1,7 ha trồng theo mô hình “Cà phê cảnh quan”. Do áp dụng đúng kỹ thuật nên 1,7 ha cà phê này ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao hơn, sản lượng ước chừng 8 tấn nhân.

“Dự tính, gia đình tôi thu gần 13 tấn cà phê nhân. Với giá 130 ngàn đồng/kg cà phê nhân như hiện nay thì gia đình thu về trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí. Tới đây, tôi tiếp tục canh tác cà phê theo hướng hữu cơ đối với diện tích ngoài khu vực triển khai mô hình “Cà phê cảnh quan” để có thu nhập cao hơn”-anh Hinh thổ lộ.

Nằm sát lòng hồ thủy điện Đak Đoa, những vườn cà phê tham gia mô hình “Cà phê cảnh quan” sở hữu vị trí đắc địa. Nơi đây cũng phù hợp với tiêu chí của mô hình là thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong: Sở dĩ nơi này được chọn triển khai mô hình bởi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết như: vườn cà phê tập trung, bao quanh khu vực trồng cà phê là các ngọn đồi cùng lòng hồ thủy điện Đak Đoa. Đặc biệt, trong lòng hồ thủy điện Đak Đoa có 18 lồng nuôi cá của các thành viên HTX. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng cho khách tham quan, trải nghiệm khi đến Đak Đoa.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hngun nói: “Khi có khách đến tham quan, đời sống của người dân sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đây cũng là một trong những lý do để tôi tham gia mô hình này. Thời gian tới, tôi sẽ làm lối đi để thuận tiện cho du khách khi đến tham quan vườn cây”.

Theo ông Hà Văn Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong: “Thời gian tới, xã chú trọng xây dựng sản phẩm cà phê mang đặc trưng, hương vị riêng của địa phương. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng cà phê xen với các loại cây ăn quả để vừa làm cây che bóng vừa tăng thêm thu nhập. Đồng thời, xã kêu gọi các nhà doanh nghiệp xây dựng khu du lịch sinh thái, homestay... để từng bước phát triển du lịch”.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Mô hình “Cà phê cảnh quan” không chỉ giúp bà con nông dân thay đổi thói quen sản xuất mà còn mở ra cơ hội để người dân hướng đến sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Có thể bạn quan tâm