Du lịch

Hành trang lữ hành

Định hình lại ngành du lịch và khách sạn sau dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, du lịch nội địa sẽ tăng mạnh, với lượng lớn du khách tìm đến các điểm đến xanh như bãi biển, núi, rừng, công viên quốc gia, tiếp sau là các điểm văn hóa, lịch sử và giải trí. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có chính sách để phù hợp với bối cảnh bình thường mới.

Các resort ven biển Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận là một trong những địa điểm thu hút khách đến du lịch. Ảnh: Phạm Duy
Các resort ven biển Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận là một trong những địa điểm thu hút khách đến du lịch. Ảnh: Phạm Duy
Cải thiện khả năng thích ứng với COVID-19
Tại Diễn đàn “Du lịch và Khách sạn Việt Nam - Quản trị trong thời điểm bất thường và con đường phía trước” do Đại học RMIT tổ chức, TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thông tin: Do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, lượng du khách nội địa Việt Nam giảm 16% và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
TS Siêu cho biết: “Dịch vụ lưu trú, các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch đã ngừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa vì hầu hết các chuyến bay quốc tế và nội địa đều bị hủy hoặc gián đoạn đáng kể do hạn chế về du lịch. Tỉ lệ lấp đầy phòng của các dịch vụ lưu trú là khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 10% trong năm 2021”.
Cùng với đó, PGS Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, nhận định rằng: “Hai năm qua là khoảng thời gian đầy thách thức với ngành khách sạn và du lịch, dẫn đến giai đoạn thực sự khó khăn cho các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở lưu trú du lịch”.
Trong phát triển du lịch, thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia và là phân khúc thị trường quan trọng của các đô thị lớn đang phát triển ở Việt Nam.
Đối phó với thời điểm bất ổn hiện nay, Tổng giám đốc InterContinental Hanoi Landmark72, ông Patrick Verove đã chia sẻ những kế hoạch chủ động đã giúp khách sạn vượt qua khó khăn.
Ông Verove nói: “Vào thời điểm hết sức bất ổn, chúng tôi vẫn đảm bảo với khách hàng rằng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi ở các mặt như sự linh hoạt, sạch sẽ, an toàn và ưu tiên sức khỏe. Đối mặt với việc đóng cửa tạm thời và nhu cầu thấp, chúng tôi đã xác định ra các cách thay đổi hoạt động để cải thiện lợi nhuận, bảo vệ dòng tiền, áp dụng các giải pháp số tối tân và huấn luyện tư duy phát triển cho nhân viên”.
Còn ông Christoph Strahm - Tổng giám đốc Khách sạn Capella nhấn mạnh rằng khách sạn ông đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ “hiện đại” và thực hiện các dịch vụ không chạm để mang lại những trải nghiệm hiện đại cho khách lưu trú.
Ông Strahm chia sẻ: “Chúng tôi đặt an toàn của cả khách lưu trú và nhân viên là ưu tiên chính bằng cách áp dụng các dịch vụ không chạm như nhận và trả phòng không tiếp xúc, máy tính bảng đặt trong phòng, công nghệ mobile key và phần mềm đọc báo trực tuyến, cũng như một số dịch vụ khác”.
Kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam
Trong thời điểm Việt Nam đang dần nới lỏng các hạn chế do đại dịch và đưa nền kinh tế đi vào hoạt động trở lại bằng những biện pháp phục hồi và các gói kích cầu, ngành du lịch được kỳ vọng cũng sẽ từng bước đi lên.
TS Hà Văn Siêu kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch điều chỉnh lại chiến lược phát triển để phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch.
“Du lịch nội địa sẽ tăng mạnh, với lượng lớn du khách tìm đến các điểm đến xanh như bãi biển, núi, rừng, công viên quốc gia, tiếp sau là các điểm văn hóa, lịch sử và giải trí. Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch nên đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm mới, tập trung vào sức khỏe, an toàn, thiên nhiên và những trải nghiệm đích thực”, TS Siêu bày tỏ.
HUYÊN NGUYỄN (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/dinh-hinh-lai-nganh-du-lich-va-khach-san-sau-dich-965929.ldo

Có thể bạn quan tâm