TN - Đất & Người

Đinh Hương: Mong manh nhưng không dễ vỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không may mắn khi khung xương nâng đỡ cơ thể rất giòn và mong manh ví như thủy tinh, Đinh Hương tự tạo điểm tựa trong cuộc sống theo cách của riêng mình. Tiềm ẩn trong cơ thể dễ tổn thương ấy là một ý chí kiên cường, một tinh thần không dễ bị lung lay và niềm khao khát được đến trường như những bạn cùng trang lứa.

15 tuổi, 12 lần gãy xương

Từ thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang), dù đã được chỉ dẫn nhưng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tìm được đến nhà của Đinh Hương-cô học trò Bahnar ngoan hiền nhưng kém may mắn ở làng Alao, xã Lơ Pang. Hội chứng tạo xương bất toàn-một chứng rối loạn chuyển hóa gen bẩm sinh-làm cho cấu trúc xương của Đinh Hương luôn trong tình trạng giòn và dễ gãy. Gặp em đúng lúc em phải nằm nhà do gãy xương đùi chỉ do một sơ ý nhỏ khi di chuyển. Dáng người nhỏ bé nhoài hẳn trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, cô bé “xương thủy tinh” vẫn cắn răng vượt qua cơn đau để hoàn thành bài tập về nhà để ngày mai đến lớp. “Số lần gãy xương của em còn nhiều hơn số năm em đi học, chị à! Năm nay em học lớp 8 nhưng đã gãy xương 12 lần rồi. Mỗi lần gãy xương, bà ngoại em thường hái lá giã làm thuốc bó cho em. Chỉ duy nhất 1 lần em được đi bác sĩ bó bột, vì mỗi lần như vậy tốn kém lắm! Mà nhà em thì…”. Nụ cười hiền trong giọng nói thoảng nhẹ khi Hương kể về căn bệnh mà mình mắc phải ngay từ khi lọt lòng mẹ làm cho người nghe day dứt mãi.

 

 Ngoài giờ học Đinh Hương còn phụ giúp mẹ quét dọn nhà cửa. Ảnh: Hải Uyên
Ngoài giờ học Đinh Hương còn phụ giúp mẹ quét dọn nhà cửa. Ảnh: Hải Uyên

Trong căn nhà tuềnh toàng được cơi nới tạm từ chuồng bò mượn của một người tốt bụng trong làng, chị Lê Thị Thúy Hòa- mẹ của Hương, nghẹn ngào khi kể về những cảm xúc vào cái ngày đầu tiên đón con chào đời. Cái kết có hậu giữa chị-cô gái nhiễm chất độc da cam có chiều cao của một đứa bé 7 tuổi-với ba của Hương, chàng trai Bahnar si tình vượt qua sự ngăn cản của dân làng ngày nào, tưởng như sẽ hợp lại thành một gia đình đầm ấm. Nhưng trớ trêu thay, ngày sinh Hương ra, trong hạnh phúc vỡ òa cũng là nỗi đau giằng xé. “Tôi nghĩ ông trời đã thương cho tôi một người chồng hiền lành, khỏe mạnh thì cuộc đời sẽ sang trang mới. Nhưng không ngờ... Bệnh tật của Hương còn nặng hơn tôi, không biết mẹ sẽ chăm sóc cho con được đến khi nào. Bế con mà cũng không dám bế lâu, nựng con cũng không được nựng mạnh. Ngày Hương tập đứng trên đôi chân của mình cũng là mở đầu cho những lần gãy xương cho tới tận bây giờ”.

Vợ đau, con ốm, cộng thêm một người mẹ vợ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” khiến cho thu nhập từ tiệm tạp hóa và công việc làm thuê, cuốc mướn của người chồng cũng chỉ đủ bữa đói bữa no. Nói là tiệm tạp hóa chứ thực ra cũng chỉ là vài bó rau, dăm gói mì… bán cho bà con trong làng. Tuy vậy, niềm vui lấp lánh trong mắt con trẻ buộc những người lớn trong gia đình cũng phải gạt nước mắt để giúp con đeo đuổi ước mơ đèn sách, dẫu không ai dám chắc rằng liệu điều đó sẽ kéo dài được bao lâu.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Khó khăn là vậy, nhưng với Hương, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, dù rằng niềm vui đó phải trải qua thử thách là quãng đường hơn 7 cây số với nhiều đoạn dốc cao, nhiều đoạn lại gập ghềnh, nhất là mỗi hôm trời mưa gió còn là nỗi lo trượt ngã với cả hai cha con Hương. Thương con, nhiều lần chị Hòa khuyên con nghỉ học, nhưng Hương năn nỉ nên chị lại xuôi lòng. May mà mỗi khi “tối lửa tắt đèn”, họ đều nhận được sự giúp đỡ của bà con dân làng. Nhờ đó, tuy khó khăn mọi bề nhưng trong gia đình nhỏ ấy không bao giờ thiếu thốn tình yêu thương, sự sẻ chia và hơn tất thảy là niềm hy vọng.

Nhiều năm qua, khát khao đi học của cô học trò “xương thủy tinh” đã trở thành tấm gương sáng không chỉ của lớp 8A mà của tất cả học sinh trong Trường THCS Quang Trung, xã Đak Yă, huyện Mang Yang. Giáo viên chủ nhiệm 2 năm liền của em, cô giáo Trần Thị Nga, không giấu niềm tự hào khi kể về thành tích của Hương: “Ngoại trừ những lúc phải đi chữa bệnh, Hương đi học rất chuyên cần. Lớp tôi dạy cũng có nhiều học sinh người Bahnar, tôi luôn lấy Hương làm gương để các em ấy và cả lớp cùng phấn đấu học tập”. 7 năm liền là học sinh giỏi và tiên tiến, danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ-liều thuốc tinh thần ấy giúp Hương gồng mình qua những cơn đau để bắt những con chữ phải tròn nét và những bài toán phải tìm ra đáp số cuối cùng.

Có ai đó nói rằng: Niềm tin bắt nguồn từ nghịch cảnh là niềm tin mãnh liệt nhất. Mong sao niềm tin của Đinh Hương sẽ thắp sáng cho ước mơ của em trở thành hiện thực, để lời ca trong veo “Mùa thu ơi! Mùa thu! Mùa thơm trang sách mới… Mùa đi xây những ước mơ” sẽ lại được cất lên bởi cô học trò “thủy tinh” mong manh nhưng không hề dễ vỡ-Đinh Hương-trong mỗi mùa thu ngày khai trường. 

Hải Uyên

Có thể bạn quan tâm