Sức khỏe

Đổ mồ hôi về đêm có nguy hiểm không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đổ mồ hôi về đêm là một hiện tượng liên quan đến sự mất cân bằng trong hệ thần kinh tự chủ hoặc tình trạng suy nhược cơ thể và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, bệnh lý nền, hoặc rối loạn nội tiết.

Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết đổ mồ hôi trộm (hay đổ mồ hôi về đêm) là tình trạng cơ thể tiết ra mồ hôi quá mức vào ban đêm, ngay cả khi thời tiết mát mẻ và không có lý do rõ ràng để giải thích sự gia tăng nhiệt độ cơ thể.

"Đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi. Đổ mồ hôi trộm thường liên quan đến sự mất cân bằng trong hệ thần kinh tự chủ hoặc tình trạng suy nhược cơ thể, và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, bệnh lý nền, hoặc rối loạn nội tiết", bác sĩ Duy cho hay.

Đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi. ẢNH MINH HỌA: FREEPIK
Đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi. ẢNH MINH HỌA: FREEPIK

Theo bác sĩ Duy, tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Do vậy cần có phương pháp tầm soát, chăm sóc và điều trị thích hợp.

Tập luyện và xoa bóp là một trong những phương pháp không dùng thuốc đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trong các phương pháp điều trị các bệnh lý hiện nay, cũng cho thấy hiệu quả trong việc hỗ trợ và cải thiện đối với tình trạng đổ mồ hôi trộm.

Theo y học hiện đại, tập luyện giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu và điều hòa hệ thần kinh giao cảm, giảm căng thẳng - yếu tố thường gây ra chứng đổ mồ hôi đêm. Việc vận động còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, từ đó giúp ổn định nhiệt độ cơ thể và giảm đổ mồ hôi.

Xoa bóp có thể kích thích hệ tuần hoàn, thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, giúp kiểm soát được tình trạng đổ mồ hôi ban đêm. Theo y học cổ truyền, chứng mồ hôi trộm có liên quan đến hư lao, chủ yếu do âm hư, dương khí không ổn định, dẫn đến mất cân bằng âm dương. Việc tập luyện giúp điều hòa khí huyết, cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường âm và bổ dương, từ đó làm giảm triệu chứng.

Xoa bóp tác động vào các kinh mạch, giúp lưu thông khí huyết, điều hòa tạng phủ, đặc biệt là phế, tỳ và thận - những cơ quan chính liên quan đến chứng đổ mồ hôi trộm. Xoa bóp bấm huyệt như là một biện pháp hỗ trợ nhằm kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thuốc thang, châm cứu và dưỡng sinh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Bài tập yoga hít thở sâu: Bài tập hít thở sâu giúp điều hòa hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system), vốn là hệ thần kinh liên quan trực tiếp đến quá trình điều tiết mồ hôi. Khi tập luyện đều đặn, giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, từ đó giúp giảm đổ mồ hôi đêm.

Bài tập hít thở sâu giúp điều hòa hệ thần kinh tự chủ. ẢNH: FREEPIK
Bài tập hít thở sâu giúp điều hòa hệ thần kinh tự chủ. ẢNH: FREEPIK

Bài tập căng giãn cơ vai cổ: Các động tác căng giãn cơ vùng cổ và vai giúp giải phóng sự căng thẳng, tăng lưu thông máu ở vùng trên cơ thể, đặc biệt là đến hệ thần kinh trung ương. Điều này giúp giảm căng thẳng thần kinh, từ đó làm giảm tình trạng đổ mồ hôi do hệ thần kinh hoạt động quá mức.

Bài tập đi bộ nhanh: Đi bộ nhanh giúp tăng cường tuần hoàn, cải thiện khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể và làm giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập aerobic như đi bộ, giúp ổn định hoạt động của hệ thần kinh tự chủ.

Thư giãn (Ngồi thoải mái, nhắm mắt, tập trung vào hơi thở, hít vào và thở ra sâu đều đặn trong 5-10 phút): Giúp cơ thể thư giãn hoàn toàn, điều hòa hệ thần kinh tự chủ, giảm sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm. Điều này giúp giảm mồ hôi trộm, đặc biệt là khi mồ hôi trộm liên quan đến căng thẳng tâm lý.

"Nếu đổ mồ hôi trộm xảy ra quá nhiều, gây mệt mỏi và suy nhược, đầu tiên người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để tầm soát và kiểm tra bệnh. Cùng với đó, người bệnh nên hạn chế các bài tập nặng, nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như hít thở sâu, thư giãn... Trong các trường hợp quá mệt mỏi, người bệnh không nên tập luyện quá sức, nên tạm dừng tập luyện và nghỉ ngơi để tránh làm suy yếu thêm cơ thể", bác sĩ Duy khuyến cáo.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm