Thời sự - Bình luận

Đổ thừa cho ông trời!?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) nên lũ lụt hoành hành ở miền Trung những ngày qua cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Nhưng đằng sau câu chuyện thiên tai luôn là hậu quả của nhân tai.

Nguyên nhân lũ cuốn, sạt lở đất có phải chỉ do BĐKH hay chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình hình? Chúng như những cú đấm bồi lên thân thể thiên nhiên và hậu quả là người dân lãnh đủ.

Không thể phủ nhận với thái độ vô can trước chuỗi đập thủy điện, tình trạng xả nước hồ chứa thất thường để vận hành thủy điện từng gây thiệt hại nghiêm trọng và nhất là nạn phá rừng tự nhiên diễn ra nhiều năm qua có thể thấy qua phương tiện thông tin đại chúng hay từ các kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học đã cảnh báo.

Khó có thể thuyết phục người dân khi người quản lý đưa ra số liệu thống kê cộng trừ "6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có diện tích rừng trên 3,1 triệu ha, tỉ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%", để đưa ra kết luận sạt lở đất, ngập lũ hiện tại là không liên quan câu chuyện rừng.

Trong khi nhiều công bố đã cho thấy tình trạng đáng lo ngại và hậu quả đã nhãn tiền. Chất lượng rừng đang suy kiệt. Nhiều người còn dẫn những hình ảnh vệ tinh qua phần mềm Google Earth, GIS để chứng minh lo ngại của người dân là có thật. So sánh hình ảnh lưu trữ từ Google Earth từ năm 1984 tới nay cho thấy nhiều mảng trắng trải dọc trên cả nước.

Mặc dù Chính phủ thể hiện thái độ kiên quyết thực hiện chủ trương "đóng cửa rừng tự nhiên" nhưng tình trạng rừng bị xâm hại vẫn xảy ra. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diện tích rừng nguyên sinh cả nước giảm trầm trọng, hiện chỉ còn chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn.

Báo chí trích dẫn nguồn từ chính Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 1975 đến cuối năm 2013, Tây Nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên, giảm từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha. Tốc độ mất rừng tự nhiên lên tới 33.600 ha/năm và tốc độ này ngày càng tăng.

Tác động thêm với tình trạng phá rừng là các công trình thủy điện. Theo Tổng cục Năng lượng, số liệu thời điểm 2017, trong tổng số 824 dự án thủy điện ở Việt Nam, có tới 714 là các dự án thủy điện nhỏ, chiếm 86,6% tổng số các dự án. Bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận của thủy điện vào quốc kế dân sinh, những mặt trái từ thủy điện cũng gây tác động tiêu cực không hề nhỏ. Để có được nhà máy thủy điện thì phải đánh đổi bằng nhiều diện tích đất rừng ở thượng nguồn.

Do thiếu quy hoạch chung nên các công trình thủy điện không có lưu lượng xả để duy trì dòng chảy, do việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du nên hạn hán và lũ lụt đã không chỉ là thiên tai mà còn do nhân tai.

Chắc chắn tình trạng sạt lở đất gây chết người, lũ lụt nghiêm trọng đang diễn ra ở miền Trung không thể đổ cho ông trời mà cần được nhận diện nguyên nhân có liên quan từ tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản và chạy đua làm thủy điện vừa qua.

Theo TRẦN HIỆP THỦY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm