Chính trị

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Chiều 23-7, đoàn công tác do ông Tạ Đình Thi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai, Truyền tải Điện Gia Lai.

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Tại buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh: “Với tinh thần chủ động, tích cực, chúng tôi tiến hành khảo sát và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để nắm bắt thực tế tình hình nhằm phục vụ cho công tác thẩm tra, đảm bảo chất lượng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội. Đối với tỉnh Gia Lai, chúng tôi có 1 số nội dung cần tập trung làm rõ, như: nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc, bất cập gặp phải trong hoạt động thực tiễn; định hướng của Gia Lai về đầu tư phát triển điện lực, gồm cả về dự án nguồn điện, năng lực truyền tải, lưới điện phân phối; những tồn tại liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo; các vấn đề về an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng và vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương”.

Theo báo cáo, tỉnh Gia Lai có 88 dự án điện được quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW và hiện đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW. Hệ thống lưới điện tỉnh Gia Lai đa dạng, có khối lượng tương đối lớn với nhiều cấp điện áp khác nhau. Trong đó, có 10 xuất tuyến đường dây 500 kV đi qua với tổng chiều dài 352 km; 18 xuất tuyến đường dây 220 kV với chiều dài khoảng 638 km; 12 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 2.630 MVA; 24 xuất tuyến đường dây 110 kV với chiều dài khoảng 587 km; 24 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 1.077 MVA; lưới điện nông thôn với 5.242,08 km đường dây trung áp và 5.811 trạm biến áp với tổng công suất 1.579.515 kVA...

Ông Tạ Đình Thi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy
Ông Tạ Đình Thi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Gia Lai xác định phát triển năng lượng là 1 trong 3 mũi nhọn để phát triển trong thời gian tới nên rất mong Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được thông qua để nguồn điện do tỉnh sản xuất được phát với mức độ cao nhất. Hiện tại, Gia Lai đang có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Trung ương đã cho phép triển khai dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng; song các dự án còn lại cũng có nhu cầu phát triển. Quy hoạch điện VIII đồng ý cho Gia Lai phát triển năng lượng tái tạo còn rất hạn chế. Trong quá trình phát triển, xây dựng một số nhà máy thủy điện, người dân sống xung quanh đã được đền bù thỏa đáng, nhưng do trình độ còn hạn chế nên cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Luật Điện lực (sửa đổi) có những điều khoản đối với những hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi xây dựng nhà máy sản xuất điện để cuộc sống của họ được ổn định hơn”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy
Đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy

Kết luận tại buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi đánh giá cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực của tỉnh Gia Lai; nhiều nội dung kiến nghị gợi mở cho đơn vị soạn thảo chỉnh lý Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới. Sau khi khảo sát, làm việc, đoàn công tác ghi nhận các nội dung để xem xét đưa vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) như: tính toán sự phù hợp giữa tiềm năng với quy hoạch để phát huy hết lợi thế; làm sao để khai thác hết năng lực của các nhà máy thủy điện, hệ thống điện mặt trời; hành lang an toàn các dự án điện, nhất là các dự án điện gió là vấn đề đang vướng, cần nghiên cứu để luật hóa, tạo thuận lợi để xử lý các vấn đề nảy sinh ở địa phương; nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước-nhà đầu tư-người dân, nhất là công tác tái định cư, an sinh xã hội...

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng. Ảnh Hà Duy
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng. Ảnh Hà Duy

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế công trình dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm