Chính trị

Tin tức

Đoàn khảo sát đề tài cấp Nhà nước làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 12-10, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đoàn khảo sát đề tài cấp Nhà nước “Những thành tựu phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” do Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành (bìa trái) phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: P.L
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành (bìa trái) phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: P.L

Tham gia cùng đoàn khảo sát có các cán bộ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương.

Làm việc với đoàn khảo sát có đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh. Cùng làm việc với đoàn khảo sát có lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã báo cáo một số thành tựu trong nhận thức và kết quả vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: P.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: P.L

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, phù hợp với thực tiễn của địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh; tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, tỉnh Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng 9,1%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 71,42 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 125 thôn/làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 110 thôn/làng đồng bào dân tộc thiểu số). Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả; cơ sở hạ tầng của các xã, thôn/làng đặc biệt khó khăn và vùng nông thôn được đầu tư…

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được đặc biệt chú trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến tích cực về nhận thức chính trị, ý thức tu dưỡng rèn luyện và vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường, tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên có chuyển biến tích cực. Chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên theo phương châm chú trọng về chất lượng, không chạy theo số lượng và gắn công tác phát triển, quản lý đảng viên với tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng.

Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: P.L
Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: P.L

Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định; phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang trong xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; công tác phân giới-cắm mốc đạt được kết quả quan trọng…

Từ thực tiễn của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã kiến nghị, đề xuất với đoàn khảo sát nghiên cứu, đề xuất tham mưu một số vấn đề: Quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách về đất ở, đất sản xuất đối với các tỉnh Tây Nguyên. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần khảo sát, đánh giá sát thực tế, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của các tỉnh Tây Nguyên. Nghiên cứu có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng.

Đề nghị nghiên cứu, đánh giá tổng thể, mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chế độ, chính sách. Xây dựng hệ thống pháp lý về tôn giáo, tín ngưỡng hoàn chỉnh để quản lý các tổ chức và hoạt động tôn giáo theo pháp luật, đồng thời là cơ sở pháp lý để đấu tranh ngăn chặn các “tà đạo”, “đạo lạ” và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Quan tâm có chính sách đào tạo, tạo nguồn cán bộ dành riêng cho đối tượng người dân tộc thiểu số (nghiên cứu có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng vào công chức, viên chức đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số; nghiên cứu có cơ chế biệt phái cán bộ là người dân tộc thiểu số từ lực lượng vũ trang tham gia cấp ủy, chính quyền, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở). Việc thực hiện quy định về một số mô hình, mô hình thí điểm (như: bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không là người địa phương; sáp nhập thôn, làng; sáp nhập đơn vị hành chính; sáp nhập các trường; kiêm nhiệm một số chức danh ở cấp huyện, cấp cơ sở) khi áp dụng vào các tỉnh Tây Nguyên cần khảo sát, đánh giá cụ thể và cân nhắc nhiều mặt…

Các thành viên của đoàn khảo sát và của tỉnh đã trao đổi, làm rõ những đề xuất, kiến nghị, quá trình thực hiện quan điểm, chủ trương của Trung ương gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn (thứ 5 từ phải sang) trao quà lưu niệm cho đoàn khảo sát. Ảnh: P.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn (thứ 5 từ phải sang) trao quà lưu niệm cho đoàn khảo sát. Ảnh: P.L

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết: Tỉnh Gia Lai rất vui mừng khi được đón tiếp và làm việc với đoàn khảo sát. Đây là dịp để tỉnh giới thiệu về những thành tựu và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, đồng thời thông tin, phản ánh những vấn đề mới đang đặt ra, cũng như đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để đoàn khảo sát nghiên cứu, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đề tài. Tỉnh Gia Lai mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương trong thời gian tới.

Kết luận buổi khảo sát, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã có sự chuẩn bị chu đáo, đáp ứng yêu cầu đề ra của đoàn khảo sát. Buổi khảo sát đã phân tích nhiều vấn đề từ thực tiễn, cung cấp những thông tin hữu ích giúp đoàn khảo sát có thêm tài liệu quan trọng để nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện đề tài cấp Nhà nước “Những thành tựu phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Có thể bạn quan tâm