Kinh tế

Doanh nghiệp "bơi" trong khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 300 doanh nghiệp (DN) được chọn để hậu kiểm năm 2013 đã có nhiều hạn chế, khó khăn được xác định. Và để hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở lại sôi động như trước có nhiều vấn đề cần phải khắc phục, giải quyết một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
 

 Xí nghiệp May Nhà Bè (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Xí nghiệp May Nhà Bè (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2013, cơ quan chức năng đã cấp đăng ký kinh doanh cho 1.400 lượt DN và các đơn vị trực thuộc DN. Trong đó, cấp đăng ký kinh doanh thành lập mới 310 DN và 190 đơn vị trực thuộc; cấp đăng ký thay đổi cho 770 lượt DN và 130 đơn vị trực thuộc DN (giảm gần 160 lượt DN so với năm 2012). Đánh giá về lực lượng DN đang hoạt động, ông Hồ Phước Thành, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Tất cả DN trong quá trình triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh đều tuân thủ đúng các quy định về tên DN, chủ sở hữu DN, người đại diện pháp luật của DN theo như hồ sơ đã đăng ký kinh doanh. Qua kiểm tra cho thấy, các quy định sau đăng ký kinh doanh được DN chấp hành tốt, số lượng DN vi phạm giảm rõ rệt. Hầu hết các DN đang hoạt động kinh doanh đều thực hiện các quy định về kê khai nộp thuế, lập báo cáo tài chính đầy đủ, kịp thời”.

Có thể thấy, số lượng DN được thành lập mới trong năm khá nhiều, song đồng thời, số DN giải thể, ngừng hoạt động cũng không ít. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, có 85 DN đăng ký giải thể. Số DN bỏ trốn, không hoạt động tại trụ sở là 400. Hầu hết các DN được kiểm tra đều có những hạn chế riêng và gặp ít nhiều những trở ngại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp lỗ, hoạt động cầm chừng chiếm số lượng đáng kể.

Năm 2013 là một năm mà tất cả các hoạt động sản xuất-kinh doanh đều bị ngưng trệ. Nguyên nhân lớn nhất là các DN khó tiếp cận vốn vay và nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã ảnh hưởng đến việc huy động và cho vay vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh của DN. Tài sản thế chấp vay vốn của DN chủ yếu là tài sản hình thành từ nguồn vốn vay; dây chuyền máy móc thiết bị, đất phải đi thuê nên gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản, định giá tài sản khi cho vay cũng như khi xử lý tài sản thế chấp. Nhiều DN, khi tiếp xúc với ngân hàng để vay vốn đều chưa chủ động xây dựng phương án, dự án hay mục đích sử dụng vốn vay không hợp lệ, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo cho khoản vay không đủ điều kiện. Khó khăn tiếp nữa của DN là thị trường tiêu thụ giảm do chính sách cắt giảm chi tiêu công của các dự án đầu tư trong nước làm ảnh hưởng đến các DN, giá nguyên liệu đầu vào tăng.

 

Một số DN còn nợ tiền bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa của Đức Thụy)
Một số DN còn nợ tiền bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa của Đức Thụy)

Tuy nhiên, cũng qua hậu kiểm, nhiều hạn chế của DN cũng đã được “điểm mặt chỉ tên”. Có một tình trạng phổ biến qua các năm là nhiều DN đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, hoạt động trong các lĩnh vực, nhưng thực tế chỉ triển khai kinh doanh một vài lĩnh vực nhất định. Và mặc dù không triển khai hoạt động nhưng các DN vẫn không chủ động làm thủ tục cắt giảm các ngành nghề này. Nhiều DN chưa thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động và thực hiện chế độ bảo hiểm cho cán bộ, công nhân theo quy định. Một số DN còn nợ tiền Bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm trong thời gian dài. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hầu hết các cán bộ làm công tác kế toán tại các DN cũng là vấn đề đáng bàn. Lực lượng này hầu hết đều làm bán thời gian, chỉ làm nhiệm vụ báo cáo và quyết toán thuế; một kế toán làm cùng lúc nhiều DN khác nhau nhưng không có chứng chỉ hành nghề kế toán, do đó, việc hạch toán kế toán và chấp hành các quy định về chế độ kế toán tại các DN còn nhiều sai sót, áp dụng chế độ kế toán không thống nhất.    

Riêng đối với công tác hậu kiểm, các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn khiến công tác này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc triển khai công tác hậu kiểm tại các DN được Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực triển khai từ năm 2008 đến nay. Đây là công tác đòi hỏi thực hiện liên tục cả năm, song hiện các sở, ngành rất khó bố trí cán bộ để cùng tham gia đoàn hậu kiểm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Thuế, Quản lý Thị trường, Kiểm lâm, Công an và các địa phương chưa cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động của DN sau đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, việc hỗ trợ, hướng dẫn DN chấp hành các quy định của pháp luật sau đăng ký kinh doanh của các cơ quan chức năng cũng chưa kịp thời.

Thiết nghĩ, để công tác hậu kiểm được trôi chảy và thuận lợi hơn, chức năng của các sở, ngành, địa phương cần được phân định rõ hơn. Các sở, ban, ngành, tùy theo chức năng của mình sẽ tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành các điều kiện kinh doanh của DN, xử lý nghiêm khắc DN vi phạm, đến mức đình chỉ kinh doanh tại địa điểm vi phạm hoặc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh theo quy định.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm