(GLO)- Tết là thời điểm được coi là “đỉnh” của sự ăn nên làm ra. Mọi năm, khoảng đầu tháng 10 Âm lịch các doanh nghiệp đã chốt đơn đặt hàng và chỉ đợi đến giáp Tết là nhập về bán. Thế nhưng, trái với quy luật đó, năm nay không ít những doanh nghiệp lớn, đóng vai trò chủ chốt trong việc phân phối lưu thông và phục vụ hàng Tết lại tỏ thiếu mạnh dạn trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc tham gia trữ mặt hàng nào để tránh bị tồn đọng.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để hút khách. Ảnh: Nguyễn Giác |
Những năm trước, cuối năm là thời điểm chạy đôn chạy đáo kiếm vốn để dự trữ hàng, nhưng nay hoàn toàn ngược lại. Doanh nghiệp thì thận trọng, cơ sở thì đang... nghe ngóng!
Hệ thống các siêu thị trên địa bàn là kênh cung ứng đa dạng các mặt hàng từ hàng tiêu dùng thiết yếu, may mặc, thực phẩm công nghệ cho đến hóa mỹ phẩm... Đặc biệt, hệ thống này góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá cả. Vậy mà ở thời điểm này, các siêu thị khá cân nhắc trong việc dự trữ hàng hóa.
Co.op Mart Pleiku là đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn nhưng sức mua của khách hàng tại siêu thị từ đầu năm đến giờ không cao, doanh thu đến tháng 11 chỉ đạt 400 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, giá trị tăng nhưng xét về số lượng lại giảm đáng kể. Ông Nguyễn Huy Lâm-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: “Doanh nghiệp đang đắn đo, tính toán kỹ xem nên dự trữ ngành hàng nào, số lượng cụ thể ra sao cho thật sát với tình hình thực tế, tránh để tồn đọng. Với sức tiêu thụ chậm như các dịp lễ vừa rồi thì hẳn sức mua của dịp Tết dự báo cũng sẽ không mạnh. Bởi lẽ, khách hàng ở huyện là đối tượng chính giúp tăng doanh thu trong các dịp lễ Tết, nhưng thời gian qua “lực lượng” này lại... vắng bóng.
Ông Lâm cho biết thêm, khi lên kế hoạch siêu thị cũng đã nhắm đến từng nhóm đối tượng khách hàng. Dịp Tết này, siêu thị đang xây dựng kế hoạch dự trữ khoảng 90-100 tỷ đồng ở 5 ngành hàng chính với gần 30.000 mặt hàng. Đồng thời, siêu thị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách gia tăng cơ hội mua sắm.
Đại diện một siêu thị khác trên địa bàn nhận định: Hàng hóa không sợ thiếu, các nhà cung cấp đang tồn kho rất nhiều. Nếu dự trữ mà trường hợp không bán hết dịp trước, trong và sau Tết sẽ dẫn đến tồn đọng, mà việc tiêu thụ sau đó sẽ rất khó. Có một thực tế, các sản phẩm mà nhà sản xuất tung ra dịp Tết lại thường được đóng bao bì, nhãn mác có chữ chúc Xuân, nên khi qua thời điểm này những sản phẩm đó lại trở thành hàng cũ với khách cho dù đát sử dụng khá dài. Đã có không ít cửa hàng dự trữ một số mặt hàng với số lượng quá lớn nhưng lại tiêu thụ chậm, đành phải “ôm” vì khách hàng chê, còn nhà sản xuất lại không thu hồi.
Cùng với kênh phân phối là siêu thị, phần đông đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn cũng tỏ ra khá thận trọng trong việc lựa chọn mặt hàng dự trữ. Một số cửa hàng lớn như Thùy Dung, Lan Anh, Đức Phát cũng đang tính toán, chưa lên kế hoạch chi tiết mặt hàng nào trữ nhiều, hàng nào trữ ít.
Chị Mỹ Nhung-Chủ cửa hàng Hồng Nhung (nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi- TP. Pleiku) cho biết: Những mặt hàng bán chạy dịp Tết với số lượng và giá trị lớn là bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm công nghệ. Song, mặt hàng này lại chiếm vốn lớn, mà dự trữ chưa chắc có lãi lớn, vì thị trường tương đối bình ổn, các đại lý luôn đảm bảo nguồn hàng, ít có trường hợp sốt hàng tăng giá. Chị cho biết thêm, năm nay cửa hàng dự định trữ lượng hàng giảm đến 1/3 năm trước, chỉ khoảng 5-7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính vẫn không nằm ngoài sức tiêu thụ kém và dự báo sẽ còn kém cho tới năm sau. Mua đứt bán đoạn, không được hỗ trợ vốn để bình ổn thị trường nên hết hàng đến đâu nhập về đến đó.
Đây cũng là phương án mà hầu hết doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ thấy an toàn chọn lựa, khi mà thu nhập của phần đông bộ phận dân cư có chiều hướng giảm. Rồi hàng hóa đang tồn kho lớn, các nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng hàng khi có bất cứ yêu cầu... Đó là những lý do khiến việc lên kế hoạch kinh doanh mùa Tết không mấy dễ dàng.
Thảo Nguyên