Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo ông Nguyễn Quang Vinh-Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp (DN) vì sự phát triển bền vững Việt Nam, chưa bao giờ DN quan tâm tới phát triển bền vững như hiện nay. Không chỉ ở các DN lớn mà các DN nhỏ và vừa cũng đã bắt đầu quan tâm hơn.

Thay đổi tư duy kinh doanh

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vấn đề đầu tiên mà các DN quan tâm chính là lợi nhuận. Có khoảng thời gian, các vấn đề như môi trường, hoạt động xã hội hầu như không được các DN chú trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khái niệm phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được nhắc đến nhiều hơn. Để được công nhận là DN phát triển bền vững, người đứng đầu phải thay đổi tư duy từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm”.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Là DN sản xuất kinh doanh cà phê, chúng tôi xác định phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là sứ mệnh mà còn là kim chỉ nam trong mọi chiến lược của đơn vị. Doanh nghiệp luôn cố gắng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản xuất, phương pháp canh tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với chúng tôi, xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch không chỉ có lợi cho môi trường mà còn đem lại giá trị sức khỏe của người tiêu dùng và người lao động”.

 Công ty Công nghệ cao Ricky Farm 79 đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho trang trại chăn nuôi ở xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Ảnh: Hà Duy
Công ty Công nghệ cao Ricky Farm 79 đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho trang trại chăn nuôi ở xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Ảnh: Hà Duy


Điều này đã được chứng thực khi Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những DN thuộc tốp đầu ở khối tư nhân về xuất khẩu cà phê của Việt Nam và tốp 6 trong khối công ty cổ phần, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Để có được sự công nhận từ thị trường nước ngoài, ngoài việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế về vùng nguyên liệu và dây chuyền sản xuất hiện đại thì DN cũng phải đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường cũng như quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Võ Thị Tuyết Hà-Phó Tổng Giám đốc Trường Sinh Group-chia sẻ: Các đối tác nước ngoài khi đến tìm hiểu để đặt vấn đề hợp tác kinh doanh, họ luôn muốn tham quan trụ sở DN, khu chế biến, sản xuất. Qua đó, họ có thể nắm bắt sơ bộ tình hình hoạt động của DN. Biết được DN có chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường hay không, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh như thế nào.

Tạo điều kiện để DN phát triển bền vững

Xuất phát từ xu thế toàn cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh là phát triển DN bền vững, có trách nhiệm trên 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường mà Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam-VBCSD (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình đánh giá, công bố DN bền vững tại Việt Nam (gọi tắt là CSI). Chương trình này được tổ chức từ năm 2016, nhằm tìm kiếm, tập hợp và biểu dương những DN tiên phong thực hiện kinh doanh trách nhiệm, kinh doanh hiệu quả, quan tâm đến bảo vệ môi trường và tham gia tốt công tác xã hội.

Ông Nguyễn Quang Vinh-Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD-cho rằng: “Phát triển bền vững chính là kim chỉ nam để DN trụ vững. Người tiêu dùng đã có nhận thức cao hơn trong lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ là kết quả của quá trình sản xuất kinh doanh xanh. Do đó, kinh doanh bền vững chính là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích dài hạn cho chính DN”.

Trang trại chăn nuôi bò của Nutifood. Ảnh: Hà Duy
Trang trại chăn nuôi bò sữa NutiFood (xã Đak Yă, huyện Mang Yang) với phương thức "chăn nuôi xanh-thuận tự nhiên". Ảnh: Hà Duy


Theo đánh giá của Chủ tịch VBCSD, chưa bao giờ DN quan tâm tới phát triển bền vững như hiện nay. Không chỉ ở các DN lớn mà các DN nhỏ và vừa cũng đã bắt đầu quan tâm hơn. Tham gia chương trình CSI, các DN sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI ở 4 lĩnh vực: kết quả phát triển bền vững, quản trị, môi trường và lao động xã hội. Chương trình nhằm khuyến khích hơn nữa tất cả loại hình, quy mô doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8-2-2022 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm phát triển bền vững DN khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Cụ thể, chương trình sẽ hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các DN kinh doanh bền vững. Qua đó, hỗ trợ khoảng 10.000 DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm. Chương trình gồm 3 hoạt động chính: phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ các DN kinh doanh bền vững; hoạt động quản lý chương trình. Doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là đơn vị kinh doanh bền vững được hỗ trợ các nội dung như: tư vấn, đào tạo về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
 

HÀ DUY
 

 

Có thể bạn quan tâm