Kinh tế

Doanh nghiệp "mất tích": Sự thanh lọc tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện việc chuẩn hóa thông tin để đồng bộ dữ liệu về doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xác định có 561 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Cụ thể, cuối năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế và Cục Thống kê rà soát lại số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và đã ngừng hoạt động. Qua đó đã phát hiện 433 doanh nghiệp “mất tích” khỏi trụ sở đăng ký kinh doanh hơn 1 năm và không nộp thuế môn bài những tháng đầu năm 2017. Những doanh nghiệp này chưa hoàn thành thủ tục giải thể, phá sản theo quy định. Ngoài ra, còn phát hiện 128 doanh nghiệp “mất tích” khỏi trụ sở đăng ký kinh doanh thời hạn dưới 1 năm.

 

Trụ sở Công ty cổ phần Xây dựng-Thương mại Dịch vụ Vinh Phát (20 Trần Quang Khải, TP. Pleiku) nay đã thành... quán nhậu. Ảnh: Nguyên Võ
Trụ sở Công ty cổ phần Xây dựng-Thương mại Dịch vụ Vinh Phát (20 Trần Quang Khải, TP. Pleiku) nay đã thành... quán nhậu. Ảnh: Nguyên Võ

Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Đối với 433 doanh nghiệp bỏ trốn, “mất tích” trên 1 năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi thông báo đến địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh, yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở Phòng Đăng ký Kinh doanh giải trình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo. Sau thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo nêu trên mà người được yêu cầu không đến thì Phòng sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với 128 doanh nghiệp ngừng hoạt động dưới 1 năm, Sở đã có thông báo nhưng theo quy định, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ diễn ra sau 6 tháng thông báo”.

Theo ông Phước, những doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây lắp, tư vấn thiết kế, nông sản... Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, cá biệt có một số doanh nghiệp thành lập chỉ để vay vốn (bởi so với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có hạn mức cho vay cao hơn, lãi suất thấp hơn). Ngoài ra, khi nói đến tình trạng dừng hoạt động, giải thể, phá sản của doanh nghiệp, không thể bỏ qua quy luật chung đó là đào thải, thanh lọc. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ, chỉ còn lại những doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, lớn mạnh, hoặc thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh chất lượng, hiện đại, phù hợp hơn. Có thể hiểu, giải thể hay phá sản doanh nghiệp cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, là cơ sở cho phát triển bền vững hơn. Thực tế cho thấy, trong 561 doanh nghiệp ngừng hoạt động trên hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không thích hợp với quá trình hội nhập, không thể cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh đã có 1.805 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 11.700 tỷ đồng. Trung bình hàng năm có khoảng 360 doanh nghiệp được thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Năm 2016-năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm tiếp theo, trên địa bàn tỉnh có 502 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 3.345 tỷ đồng và 181 đơn vị trực thuộc được thành lập. Theo đó, tính tới cuối năm 2016, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 82.161 tỷ đồng. Các hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, trung bình khoảng 30% tổng thu ngân sách mỗi năm. Nhưng do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 1.150 doanh nghiệp thực hiện giải thể, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh cho biết thêm, mới đây, tỉnh cũng đã tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương nhằm lấy ý kiến tham gia dự thảo “Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, trong tương lai gần, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật... Hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vững vàng hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập ra chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi âm thầm giải thể hoặc... bỏ trốn, “mất tích” khỏi trụ sở hoạt động.

Hà Duy

Quy định pháp luật về xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP:


1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Không thông báo bằng văn bản trong thời hạn quy định về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh.
b. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
2. Nếu doanh nghiệp thực tế đã ngừng kinh doanh mà không gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì xem như là chưa ngừng hoạt động, vì vậy ngoài việc phải nộp các khoản thuế truy thu thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo hướng nộp chậm hoặc không nộp các loại tờ khai thuế và tiền thuế.
a. Phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm khi số tiền trốn thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng.
b. Phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi số tiền trốn thuế từ 300 đến dưới 600 triệu đồng.
c. Phạt tù từ 2 đến 7 năm khi số tiền trốn thuế từ 600 triệu đồng trở lên.

Có thể bạn quan tâm