Sau 3 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển cao su tại Campuchia, các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được giao 100.000 ha. Được sự quan tâm của chính quyền sở tại và sự nỗ lực của doanh nghiệp, tiến độ triển khai các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng diện tích cao su lên đến hàng ngàn ha.
Nói về những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển cao su tại Campuchia, ông Lê Đình Bửu- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang (Gia Lai) cho rằng: Sau khi tiến hành khảo sát thực địa, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật hai nước, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang được chính quyền tỉnh Rattanakiri giao 7.000 ha đất tập trung tại huyện Ven Say. Theo quy trình, thời gian kiến thiết cơ bản của cây cao su là 7 năm, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền sở tại cộng với sự đầu tư chăm sóc tốt, chậm nhất là 6 năm cây cao su sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh.
Vườn ươm cây cao su. Ảnh: T.K.N |
Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển cao su trên đất Campuchia của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Ông Lê Đình Bửu cho biết: Nguồn nhân lực tại chỗ khan hiếm. Vùng dự án của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đang triển khai nằm trên địa bàn có 16 dân tộc chung sống. Nếp sống du canh du cư và tập quán lao động sản xuất tự do vẫn còn khá “đậm đặc” trong tư duy người dân nơi đây. Đây thực sự là thách thức rất lớn dành cho doanh nghiệp và trở ngại này chắc chắn không chỉ trong ngày một ngày hai, mà có thể kéo dài đến khi cây cao su cho thu hoạch, doanh nghiệp vẫn phải giải bài toán về sử dụng lao động tại chỗ. Trong khi đó nếu đưa lao động từ Việt Nam sang thì chi phí không phải là nhỏ. Giá thuê một nhân công hiện tại ở Việt Nam đắt gấp đôi so với Campuchia.
Khu dân cư mới được hình thành trên vùng dự án. Ảnh: T.K.N |
Một khó khăn nữa là việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Hiện tại, các Công ty cổ phần Cao su hợp tác với Campuchia chưa vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư mà chủ yếu hoạt động từ nguồn vốn cổ đông, vốn điều lệ. Mặc dù có nhiều ngân hàng đã cam kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhưng các thủ tục cho vay hiện vẫn chưa thực hiện được.
Mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư trồng cao su tại Campuchia là hai chính phủ và chính quyền các tỉnh liên quan cần nghiên cứu đưa ra những chính sách cơ chế phù hợp.
Thái Kim Nga