Kinh tế

Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù phí đường bộ tăng cao, giá xăng dầu cũng đã điều chỉnh tăng hơn một tuần nay, thế nhưng do áp lực cạnh tranh nên các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn vẫn không dám tăng giá, thậm chí có doanh nghiệp còn lên phương án giảm giá.

Giảm giá cước kéo thị phần

Cước vận tải vẫn đang được kiểm soát với mức giá khá ổn định sau khi giá nhiên liệu trên thị trường điều chỉnh tăng (tăng 670 đồng/lít xăng và 293 đồng/lít dầu). Trong đó, giá cước tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ ở mức 220.000-240.000 đồng/vé; tuyến Pleiku-Hà Nội: 550.000 đồng/vé; tuyến Pleiku-Huế: 200.000 đồng/vé. Thậm chí, một số đơn vị còn giảm giá để thu hút khách. Theo ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải thì với giá dầu hiện tại, chi phí nhiên liệu mỗi chuyến tăng khoảng 120.000 đồng so với trước, nhưng đơn vị vẫn có thể cân đối. Điều lo ngại nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là thị phần đang bị chia nhỏ do sự cạnh tranh mạnh giữa các hãng hàng không giá rẻ. Nhằm chia sẻ với hành khách dịp lễ 30-4 và phục vụ các em học sinh đi thi, kể từ ngày 1-4-2016, hãng sẽ triển khai chương trình giảm giá vé. Cụ thể, tuyến Pleiku-Đà Nẵng còn 180.000 đồng/vé, tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh còn 230.000 đồng/vé.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Đại diện hãng xe Thuận Tiến, ông Đặng Văn Hiền không khỏi lo lắng khi giá nhiên liệu tăng trở lại. “Giá dầu tăng là có ảnh hưởng, nhưng giá vé của hãng sẽ không tăng mà vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, lo nhất vẫn là lượng khách giảm mạnh, trước xe chạy đạt 70% công suất thì nay chỉ 30%-35%”.

Trong khi đó giá cước taxi hiện vẫn chưa có động tĩnh gì. Ông Nguyễn Đình Hùng-Giám đốc hãng taxi Hùng Nhân cho biết: “Dù xăng tăng gần 700 đồng/lít nhưng giá cước của hãng vẫn giữ nguyên với giá mở cửa chỉ 5.000 đồng và giá cước km tiếp theo 11.000 đồng/km”.

Phí chồng phí

Ngoài nỗi lo trên, mức thu phí tại các trạm BOT tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó. “Mức phí BOT tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều chuyến chỉ đủ trả phí cầu đường. Nếu trước đây đi TP. Hồ Chí Minh, phí đường bộ chỉ khoảng hơn 200.000 đồng/chuyến thì giờ tăng lên 1.300.000 đồng/chuyến”-ông Đặng Văn Hiền nói.

 

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Không chỉ với xe khách, các hãng xe chạy hợp đồng cũng rơi vào khó khăn do phí đường bộ tăng cao. Ông Lê Văn Phú-chủ xe 16 chỗ chuyên chạy hợp đồng-than vãn: “Bình thường mỗi lần đi kiểm định tôi đã phải trả cả triệu đồng cho phí sử dụng đường bộ, nhưng ra đường vẫn phải chịu thêm mức phí cầu đường. Trong khi đó, giá tiền hợp đồng đi tour không tăng, vẫn giữ bằng giá cách đây vài năm, thậm chí đôi khi vì cạnh tranh phải bớt xuống so với giá thị trường. Chẳng hạn, hợp đồng đi Nha Trang trong 3 ngày, giá chỉ khoảng 6 đến 7 triệu đồng. Nhưng dù sao tuyến này còn đỡ, chứ nếu đi TP. Hồ Chí Minh thì chủ xe phải bù 800.000-1.000.000 đồng tiền cầu đường do giá vé qua trạm đối với xe 16 chỗ tăng từ 15.000 đồng lên 50.000 đồng/lượt”.

Xe tải chở hàng cũng là đối tượng chịu mức phí đường bộ tương đối cao. Theo ông Nguyễn Hùng Sơn-một tài xế xe tải, phí cầu đường một chuyến từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại bình quân 2.200.000 đồng đối với xe 15 tấn, những xe trên 18 tấn mức phí trên 3.000.000 đồng, trong khi giá cước đối với mặt hàng nông sản hiện khá thấp, chỉ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/tấn do giá nông sản đang rớt thê thảm, hàng vận chuyển cũng ít hơn nhiều so với những năm trước. Đối với mặt hàng tiêu dùng vận chuyển chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh lên Gia Lai có giá cước 700.000-1.500.000 đồng/tấn. “Tuy tiền công mỗi chuyến lái thuê của mình vẫn như cũ (2 triệu đồng/chuyến) nhưng lượng hàng ít nên số chuyến hàng tháng cũng ít hơn, thu nhập hàng tháng cũng giảm theo”-ông Sơn chia sẻ. Còn theo ông Lê Văn Phú thì lượng khách năm nay chỉ bằng một nửa so với những năm trước, mới đến tháng Giêng mà đã hết khách đặt tour. Tình hình kinh tế khó khăn nên người dân cũng ít đi du lịch hơn trước.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm