Bạn đọc

Doanh nhân cựu chiến binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Doanh nhân cựu chiến binh là lớp người đặc biệt bởi ý chí làm giàu của họ không chỉ vì bản thân, gia đình mà hơn hết họ làm vì đồng đội. Đúng như phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, họ luôn sát cánh cùng đồng chí, đồng đội của mình vượt qua khó khăn bằng tấm lòng tương thân tương ái.

Khởi nghiệp ngay trên chiến địa

18 tuổi, cô gái trẻ Đinh Thị Lý (nay là Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lý Kình, thị trấn Kbang, huyện Kbang) viết thư tay xin đi bộ đội. Vì sức vóc nhỏ bé, bà tìm đủ lý lẽ để năn nỉ ban tuyển quân để được xung phong lên Tây Nguyên (lúc này đang diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam 1979). “Không thể tả được cảm giác hạnh phúc như thế nào khi mình được cấp trên đồng ý. Cả nhà mình bao đời theo cách mạng, màu xanh áo lính đẹp lắm, thiêng liêng lắm và tuổi trẻ mình chỉ khao khát được đứng trong hàng ngũ những người chiến sĩ”-bà Lý xúc động hồi tưởng. Vào quân ngũ, bà được phiên chế tại Tiểu đoàn 18 Quân y (Sư 471), đóng quân tại Buôn Ma Thuột. 4 năm sau, tình hình biên giới Tây Nam yên ổn trở lại, bà ra quân trở về địa phương và kết hôn với người đồng đội.

 

Hội viên cựu chiến binh tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của gia đình cựu chiến binh Ngô Công Đoan (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Ảnh: L.H

“4 năm gắn bó với Tây Nguyên đã nhen nhóm lên một tình yêu mãnh liệt trong tôi với vùng đất hoang sơ này. Trở về vùng quê Phú Lộc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) khô cằn sỏi đá, hai vợ chồng tôi vẫn luôn hướng về miền đất bao la ấy. Và đến năm 1986, khi phong trào kêu gọi người dân đi kinh tế mới vào các tỉnh Tây Nguyên, cả hai không chần chừ và quyết định quay trở lại. Lần đi này không phải là chiến đấu mà là bắt tay xây dựng cuộc đời mới, vùng quê mới. Tôi hăm hở và háo hức vô cùng, vững tin vào những điều tốt đẹp phía trước”-bà Lý hào hứng kể lại. Đó là cơ duyên kiến hai vợ chồng bà gắn bó với mảnh đất Kbang.

Vốn trong tay của hai vợ chồng khi ấy gom góp được 19 triệu đồng. Sức vóc có hạn nên ông bà phải nghĩ kế bán buôn chứ chẳng thể cày cuốc. Họ mua một chiếc ô tô tải, cứ gom mua nông sản dọc khắp các huyện Kbang, An Khê rồi đưa xuống Bình Định bán; chuyến quay về lại mua xi măng, sắt thép, gạch ngói… từ Bình Định buôn lên. Vất vả, lăn lộn nhưng nhờ tính tình xởi lởi, chịu khó chịu thương, việc buôn bán phát đạt. “Lời lãi tích cóp dần và khi nhận thấy nhu cầu mua vật liệu xây dựng của người dân trong huyện tăng dần, vợ chồng tôi mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng”-bà Lý kể lại. Đến năm 1994, hai vợ chồng bà quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lý Kình, chuyên buôn bán vật liệu xây dựng và nhận xây các công trình công cộng. Hàng năm, doanh thu của doanh nghiệp đạt hàng chục tỷ đồng, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương, đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-40 lao động với mức lương 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ được vinh danh tại nhiều tổ chức trong nước, mới đây, nhờ thành tựu kinh doanh nổi bật, bà Đinh Thị Lý đã được trao tặng Cúp 100 doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc của ASEAN tổ chức tại Thái Lan.

Nghĩa tình đồng đội

“Cựu chiến binh là doanh nhân trên địa bàn tỉnh không nhiều nhưng họ là những nhân tố rất đáng quý. Tất cả đều có những đóng góp lớn trong mọi hoạt động của Hội. Có thể nói họ là những Mạnh Thường Quân có mặt trên mọi mặt trận thiện nguyện của Hội Cựu chiến binh”-đó là khẳng định của ông Hoàng Xuân Khoát-Trưởng ban Kinh tế Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Nói có sách mách có chứng, ông Khoát kể vanh vách hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hàng ngàn suất quà đã được trao tận tay những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, sự đóng góp của các doanh nhân cựu chiến binh như bà Đinh Thị Lý-Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lý Kình (thị trấn Kbang, huyện Kbang); ông Hà Văn Trình-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Thành (phường Yên Thế, TP. Pleiku); ông Nguyễn Quang Thọ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quang Vinh (phường Yên Thế, TP. Pleiku); bà Nguyễn Thị Kim Oanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Hải Phong (phường Hoa Lư, TP. Pleiku)... là không hề nhỏ.

Trong 5 năm qua, các doanh nhân cựu chiến binh này đã hỗ trợ xây dựng 250 căn nhà cho hội viên trong chương trình xóa nhà dột nát. Ngoài ra, quỹ Hội hiện nay với trên 3 tỷ đồng cũng có sự đóng góp rất lớn của các Mạnh Thường Quân kể trên. Như bộc bạch chân tình của bà Đinh Thị Lý thì: “Mình người lính khổ quen rồi, kinh doanh lăn lộn quen rồi thành thử chẳng biết thế nào là khổ. Điều đau lòng nhất là khi nhìn những hoàn cảnh của những người đồng đội từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, giờ về sức khỏe kém, kinh tế khó khăn phải sống vất vả hay những đứa trẻ bị nhiễm di chứng từ cha mẹ để lại, không có một hình hài vẹn nguyên lại thấy xót xa… Sức mình có hạn nhưng chỉ mong sao, cuộc đời này bù đắp cho họ những niềm vui khác để chính mình cảm thấy bớt ưu tư hơn”…

Gắn bó với công tác Hội đã lâu năm, ông Khoát trân trọng mọi sự đóng góp vào quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của những cựu chiến binh là doanh nhân bởi ông biết thành công của họ được đánh đổi bằng nước mắt. “Chỉ cần từng khoác trên mình tấm áo lính, họ là đồng đội. Chỉ cần là đồng đội, họ sẽ bên nhau, chia ngọt sẻ bùi với nhau một cách vô tư, không toan tính. Với họ, sự sống hôm nay còn giữ được đã là một sự may mắn. Những vết thương thể xác còn in hằn trên thân thể những người đồng đội và con cháu họ là mất mát chung cho sự vẹn nguyên của đất nước này. Chia sẻ với nhau, đùm bọc nhau được đã trở thành trách nhiệm”-ông Khoát nhấn mạnh.

Lê Hòa-Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm