Du lịch

Hành trang lữ hành

Độc đáo ẩm thực của người Jrai làng Hăng Ring

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nguyên liệu hoàn toàn “cây nhà lá rừng”, dân làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) đã có một cuộc trình diễn ẩm thực độc đáo trong chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” diễn ra mới đây.

Dưới bóng mát cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, bếp lửa được nhóm lên. Trên những vỉa than rực hồng, từng món nướng lần lượt được thực hiện. Không khí lễ hội được đánh thức qua mùi thơm của lớp da gà tươm mỡ vàng ruộm, mùi ống nứa tươi quyện với hương nếp mới trong từng ống cơm phả khói mang theo hương vị rừng núi. Từng đùm nhăm kop (lòng đùm) trong lá chuối đặt lên than hồng, cạnh những quả cà đắng nổ lép bép dưới sức nóng lửa than. Không xa bếp lửa, nhịp chày nện thình thịch xuống cối cho ra những hạt gạo trắng ngà để bắc nồi cơm gạo rẫy lên bếp than nồng đượm.

Người dân làng Hăng Ring tái hiện những món ăn truyền thống trong kho tàng ẩm thực Jrai. Ảnh: H.N

Người dân làng Hăng Ring tái hiện những món ăn truyền thống trong kho tàng ẩm thực Jrai. Ảnh: H.N

Ấn tượng nhất phải kể đến “vườn rau gia vị” với cơ man rau lá trong vườn, rừng. Bức tranh ẩm thực hoàn thiện bằng màu sắc các loại lá mì, lá đậu non, lá dao (thay cho bột ngọt), lá é, ngò gai, măng rừng, hoa gừng rừng, hoa đu đủ đực, đậu đũa, củ riềng, gừng, đọt mây… Riêng cà đắng cũng có tới 3 loại khác nhau, loại để làm món lá mì cà đắng, loại nướng trên than để giã với muối và lá é làm thức chấm; loại để làm món bung kơ.

Già làng Rahlan Hao cho biết, bung kơ là món ăn không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội dân gian nào của người Jrai. Món ăn này được làm từ măng rừng, cà đắng, bột gạo, cua phơi một nắng, lá dao… tất cả nguyên liệu giã nhuyễn, đùm trong lá dong và hấp chín. Một số nơi làm món bung kơ còn cho thêm thịt, xương mềm băm vụn.

Một bữa tiệc đầy màu sắc và hương vị được các đầu bếp Jrai khẩn trương chuẩn bị với hàng chục món ăn truyền thống. “Chuyện bếp núc” của người làng Hăng Ring thu hút khá đông người đến tìm hiểu.

Ông Kpă Pual (giáo viên về hưu, huyện Krông Pa) cho hay: “Ẩm thực của người Jrai chia ra 2 kiểu rõ rệt là món ăn thường ngày và món chỉ có trong lễ hội. Tại chương trình này, làng Hăng Ring giới thiệu cho mọi người gần như trọn vẹn cả 2 kiểu ẩm thực trong đời sống người Jrai. Các nguyên liệu từ tự nhiên với cách chế biến rất đặc trưng, ít dùng đến nồi niêu, xoong chảo mà chủ yếu dùng lá đùm, thân tre nứa để làm chín thức ăn. Hoạt động này rất hay, ý nghĩa để thế hệ trẻ biết được văn hóa cội nguồn của mình và giới thiệu kho tàng ẩm thực của người bản địa cho mọi người cùng biết và thưởng thức”.

Giới thiệu với du khách các nguyên liệu tự nhiên và cách chế biến ẩm thực truyền thống. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giới thiệu với du khách các nguyên liệu tự nhiên và cách chế biến ẩm thực truyền thống. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cùng với giới thiệu các giá trị ẩm thực, đoàn nghệ nhân làng Hăng Ring còn mang đến chương trình nhiều hoạt động văn hóa như dệt vải, đan lát, tạc tượng, giã gạo, hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn cồng chiêng, tái hiện lễ bỏ mả của người Jrai. Những chàng trai, cô gái Jrai “da nâu, mắt sáng” còn tham gia các trò chơi dân gian như kéo co không dây, nhảy lò cò…

Sau 2 số của chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, Ban tổ chức vừa khánh thành thêm 1 nhà rông truyền thống và nhà mồ để giúp các đoàn nghệ nhân tái hiện không gian văn hóa Tây Nguyên một cách trọn vẹn.

Đoàn nghệ nhân làng Hăng Ring là đoàn “khai trương” các công trình này. Đoàn tái hiện lễ bỏ mả của người Jrai với những nghi lễ đặc sắc, đồng thời có các màn trình diễn cồng chiêng mãn nhãn người xem trước khu vực nhà rông. Khán giả như được trở về với không gian của một làng Jrai, Bahnar bên mái nhà rông cao vút.

Hàng chục món ăn truyền thống của người Jrai được chế biến tại chỗ và giới thiệu tại chương trình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Hàng chục món ăn truyền thống của người Jrai được chế biến tại chỗ và giới thiệu tại chương trình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Anh Bùi Thọ Xuân (đường Ama Quang, TP. Pleiku) cho biết: “Chương trình sắc màu văn hóa Gia Lai ngày càng hay. Sáng chủ nhật nào tôi cũng đưa con trai đến trải nghiệm vì mỗi đoàn mang một màu sắc khác nhau, rất thú vị. Đoàn nghệ nhân Chư Sê có nhiều hoạt động mà hoạt động nào cũng đặc sắc. Món ăn của họ chế biến đơn giản nhưng rất bắt mắt. Nhiều loại lá gia vị của họ là những dược liệu tôi thấy cần học hỏi để giữ gìn sức khỏe và năng lượng sống từ bữa ăn hàng ngày”.

Có thể bạn quan tâm