TN - Đất & Người

Độc đáo đàn "bình gas"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn say mê với các loại nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc, anh Rơ Châm Khánh (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã sáng tạo nên một cây đàn độc đáo từ bình gas mang thang âm, điệu thức của âm nhạc truyền thống đồng bào Jrai.

 Anh Rơ Châm Khánh cùng đàn “bình gas” tham gia biểu diễn tại các hội thi. Ảnh: P.L
Anh Rơ Châm Khánh cùng đàn “bình gas” tham gia biểu diễn tại các hội thi. Ảnh: P.L

Trong một lần tình cờ lướt web, anh Khánh có ấn tượng mạnh với một loại đàn có chất liệu bằng đồng, hình tròn, đặc biệt có âm thanh rất vang và hay. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, anh nảy ý định sẽ làm một cây đàn tương tự, nhưng không phải bằng đồng mà chế tác từ… bình gas. Anh Khánh nhớ lại: “Ngày mình đem chiếc bình gas bị hỏng đã 2 năm của gia đình ra cưa đôi để làm đàn, ai thấy cũng sợ… nổ. Mình lúc đó giống như đang chơi với quả bom vậy. Không ai nghĩ có thể làm được đàn từ một vật dụng thô kệch như thế cả. Vậy là mình quyết tâm làm”.

Với chiếc bình gas cũ đó, anh Khánh cưa làm hai phần. Phần đầu (có van của bình gas) anh thiết kế một lỗ thông hơi. Phần còn lại, anh cắt hết ngạnh, mài cho thật bóng. Sau khi gò, ép, anh đem hai phần ghép lại với nhau thành một khối hình cầu đẹp mắt. Mặt trên của chiếc đàn, anh dùng máy cắt, chia thành 8 phím tương ứng với 8 nốt nhạc từ thấp đến cao được sắp xếp ngược chiều kim đồng hồ. Để đàn phát ra âm thanh, anh Khánh làm một chiếc dùi nhỏ, khi biểu diễn thì dùng dùi gõ lên từng phím, tùy vào cách gõ mạnh, nhẹ mà cho ra những âm thanh khác nhau.

“Việc khó nhất là lấy âm, căn độ âm thanh cho từng phím đàn. Chỉ cần trong lúc cắt phím bị sai lệch đi dù chỉ chưa được 1 mm hoặc bị mẻ một miếng nhỏ xíu cũng đủ làm cho âm thanh của phím bị hỏng, lệch đi hoặc không còn trong trẻo nữa”-anh Khánh chia sẻ. Công việc quan trọng quyết định sự thành bại của cây đàn này khiến anh Khánh hai tuần liền không ngủ. Bù lại, cây đàn có âm thanh chuẩn, ngân vang và độ rung tuyệt vời. Cũng giống như đàn Trưng, phím của đàn “bình gas” có độ to nhỏ, dài ngắn khác nhau để tạo âm vực khác nhau. Đàn “bình gas” có hệ thang âm ngũ cung, thích hợp để hòa tấu, biểu diễn các làn điệu dân ca của đồng bào Jrai.

Vì là chiếc đàn “độc nhất vô nhị” nên không phải ai cũng biết sử dụng, nhất là khi các phím đàn bố trí theo hình tròn trên mặt đàn. Ngay cả anh Khánh cũng phải mất hơn một tuần mới có thể làm quen với chiếc đàn độc đáo của mình và cho đến bây giờ anh cũng chỉ dám nhận “mình mới biết sử dụng thôi chứ cũng chưa thật sự dẻo tay cho lắm”.

Chiếc đàn “bình gas” này đã từng theo anh Khánh tham gia biểu diễn ở các hội thi trong tỉnh và đạt giải cao. Trong Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II-2016 vừa rồi, Ban giám khảo cũng như đông đảo khán giả khá tò mò, hứng thú khi lần đầu nhìn thấy chiếc đàn của anh Khánh trong tiết mục biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Đàn “bình gas” tùy theo mục đích sử dụng mà có thể độc tấu, hoặc hòa tấu cùng đàn Kní, Klông put, Trưng,…

Đàn “bình gas” là sự sáng tạo tiếp sau của đàn đá 28 phím của anh Khánh. Anh cho hay: “Mình còn đang ấp ủ nhiều kế hoạch làm nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nữa nhưng sẽ tiết lộ sau khi thành công. Cùng với đó thì mình vẫn tiếp tục sáng tác dân ca, duy trì việc làm các nhạc cụ truyền thống”. Bằng một tình yêu vô bờ bến với âm nhạc, nhạc cụ dân tộc, chàng thanh niên người Jrai đang đem tài năng, sức sáng tạo của mình để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển hơn nữa kho tàng nhạc cụ, âm nhạc quý báu của đồng bào mình.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm