Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Độc đáo mô hình ứng dụng AI vào mô hình nuôi ong lấy mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ kinh nghiệm và kiến thức được học, Trần Minh Điền, sinh viên ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Trà Vinh, đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mô hình nuôi ong lấy mật.

Công nghệ nuôi ong thông minh

Trần Minh Điền cho biết Trà Vinh sở hữu nguồn nguyên liệu mật ong dồi dào, cùng điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho nghề nuôi ong mật. Từ đó, Điền quyết định thực hiện dự án "BeeLife Ventures - Ong số xanh" kết hợp sản phẩm làm đẹp từ ong mật và công nghệ nuôi ong thông minh. Hiện, dự án không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà đã có sản phẩm, dịch vụ cụ thể và đang trong giai đoạn đầu phát triển. Cụ thể là kết hợp với một số nhà vườn nuôi ong ở 2 huyện Tiểu Cần và Càng Long của tỉnh Trà Vinh.

Trần Minh Điền (giữa) cùng sản phẩm mật thu hoạch từ dự án nuôi ong thông minh
Trần Minh Điền (giữa) cùng sản phẩm mật thu hoạch từ dự án nuôi ong thông minh

Theo Điền, hệ thống ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) với các cảm biến thông minh được lắp đặt trong các thùng ong, thu thập dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh và các chỉ số liên quan đến hoạt động của đàn ong. Dữ liệu được truyền lên hệ thống đám mây và phân tích bởi các thuật toán AI để cung cấp cho người nuôi những thông tin quan trọng về tình trạng đàn ong, dự báo sớm các vấn đề về dịch bệnh, nguồn mật... thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Nhờ những ứng dụng này, người nuôi ong không cần thường xuyên di chuyển đến các vị trí đặt thùng ong xa xôi mà vẫn nắm bắt được tình hình để xử lý kịp thời, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả.

Những hộp nuôi ong được Điền đặt trong vườn cây ăn trái để hút mật
Những hộp nuôi ong được Điền đặt trong vườn cây ăn trái để hút mật

Giảm thiểu hao hụt và nâng cao năng suất mật ong

"Ứng dụng công nghệ IoT và AI vào quy trình nuôi ong giúp giám sát và quản lý đàn ong hiệu quả, phát hiện sớm dịch bệnh, tối ưu hóa điều kiện sinh trưởng, từ đó giảm thiểu hao hụt và nâng cao năng suất mật ong. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng mô hình hợp tác với các hộ nuôi ong địa phương theo chuỗi giá trị, vừa giúp kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, vừa giảm chi phí thu mua để có được giá thành cạnh tranh", Điền chia sẻ.

Dự án "BeeLife Ventures - Ong số xanh" giúp khai thác tiềm năng từ nguồn mật hoa dừa dồi dào, chất lượng của tỉnh Trà Vinh để phát triển ngành ong mật bền vững. Đồng thời, kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất mật ong, ứng dụng công nghệ cao đến phát triển sản phẩm và du lịch trải nghiệm. Góp phần xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Hiện Điền đã xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh một cách bài bản, chi tiết. Về sản xuất, Điền áp dụng quy trình sản xuất chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho tất cả sản phẩm. Kế hoạch sản xuất được xây dựng dựa trên dự báo nhu cầu thị trường và khả năng cung ứng nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng thông qua hợp tác với các hộ nuôi ong uy tín ở địa phương.

Thạc sĩ Dương Ngọc Văn Khanh, giảng viên bộ môn công nghệ thông tin, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: "Với kinh nghiệm, kỹ thuật sẵn có mô hình nuôi ong, Điền đã ứng dụng Al vào mô hình nuôi ong, gắn cảm biến độ ẩm, nhiệt độ vào khu vực nuôi và giúp người nuôi can thiệp sớm khi thùng nuôi có vấn đề. Ngoài ra, em còn kết hợp thực hiện các tour sinh thái tại các vườn nuôi ong lấy mật. Cái hay của mô hình là tính khả thi và ứng dụng công nghệ".

Theo Duy Tân (TNO)

Có thể bạn quan tâm