Bạn đọc

Độc đáo món bánh treo chân của người Mông ở xã Ya Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi hấp chín, từng cặp bánh làm từ bột nếp được kẹp lại với nhau, treo trên dây để bánh bay hết hơi nước tránh bị nhão, khi ăn sẽ dẻo ngon hơn. Người Mông ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) gọi đó là bánh treo chơn hoặc bánh treo chân.
Bánh treo chân được gói bằng lá chuối mốc hoặc chuối hột đem lại hương vị thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh
Bánh treo chân được gói bằng lá chuối mốc hoặc chuối hột đem lại hương vị thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh

Người Mông từ tỉnh Cao Bằng vào Ya Hội định cư lập nghiệp từ năm 1982 đến nay. Cứ vào dịp lễ, Tết, người Mông thường làm bánh tro (gio), bánh dày, bánh treo chân để cúng gia tiên và thết đãi bạn bè.

Chị Hoàng Thị Sào-người làm bánh treo chân rất ngon cho biết: Để làm bánh treo chân dẻo thơm phải dùng gạo nếp nương hoặc gạo nếp cái hoa vàng. Gạo sau khi vo, đãi loại bỏ hết vỏ trấu rồi ngâm nước khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước, đem xay thành bột. “Trước đây, xay bột bằng cối đá rất mất thời gian, tốn công sức. Ngày nay dùng máy xay bột đỡ tốn công sức. Nước bột đem bọc vào miếng vải dày, treo lên cao để qua đêm cho nước nhỏ hết, thu được thành phẩm bột trắng mịn. Bánh làm từ bột xay nước khi ăn sẽ mát, mềm dẻo hơn so với làm từ bột khô”-chị Sào giải thích.

Bà Triệu Thị Luyến (bìa trái)-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội cùng chị Sào vớt bánh từ nồi hấp. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Triệu Thị Luyến (bìa trái)-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội cùng chị Sào vớt bánh từ nồi hấp. Ảnh: Ngọc Minh

Theo chị Sào, thành phẩm bột trắng mịn được trộn với nước nóng, tạo thành hỗn hợp bột mềm dẻo, sau đó chia bột thành từng cục nhỏ nhồi nhân bên trong để khi gói bánh cho thuận tiện. “Nhân bánh treo chân có nhiều loại như: Nhân thịt heo băm nhỏ xào với mộc nhĩ, nhân đậu xanh mặn hoặc ngọt, nhân muối mè, đậu phộng mặn hay ngọt. Với những người không thích ăn nhân có thể gói bột không, khi ăn chấm với mật mía cũng rất ngon”-chị Sào chia sẻ.

Nói về công đoạn gói bánh, chị Sào kể: Bánh được gói bằng lá chuối mốc hoặc lá chuối chát (chuối hột), bởi loại lá chuối này có độ dai, có mùi thơm hơn so với các loại lá chuối khác và nên dùng lá chuối không quá già, quá non. Trước khi gói, lá chuối được rửa sạch, hơ qua lửa để tạo độ mềm, gói không bị rách. Khi gói bánh thoa lớp mỡ, dầu ăn lên bề mặt lá chuối để khi bóc lá không dính vào bánh. Kế đến đặt cục bột vào và ấn nhẹ cho bột dàn mỏng theo chiều dài như hình thang, gói kín, gấp 2 đầu lá chuối lại, bỏ vào nồi hấp. Từng chiếc bánh xếp chồng lên nhau trong nồi hấp không cần buộc dây. Bánh hấp khoảng 20-25 phút sẽ chín.

Bánh treo chân hấp chín để nguội, dùng thanh tre nhỏ kẹp từng cặp lại trước khi treo. Ảnh: Ngọc Minh
Bánh treo chân hấp chín để nguội, dùng thanh tre nhỏ kẹp từng cặp lại trước khi treo. Ảnh: Ngọc Minh

Trong lúc đợi bánh chín, chị Sào và bà Triệu Thị Luyến-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội luôn miệng trò chuyện về làm bánh, sắm Tết, công việc đồng áng, ruộng nương, công tác hội, câu chuyện chị em chia sẻ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế…, tình làng nghĩa xóm, chị em thêm gắn kết.

Quay lại việc làm bánh treo chân, bà Luyến cho hay: Trong quá trình hấp, bánh treo chân hấp thụ hương vị từ lá chuối và nhiệt từ nước sôi, tạo ra một hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Khi bánh đã chín thì lấy ra và gỡ 2 đầu mép gấp. Mỗi chiếc bánh được ghim lại bằng thanh tre nhỏ hoặc cài bằng tăm tre. Để nguội một chút, từng cặp bánh được kẹp lại với nhau bằng que tre mỏng, rồi treo lên dây cho nhỏ hết nước để bánh không bị ngấm nước gây nhão, khi ăn dẻo ngon hơn. “Vì bánh được treo ở phần chân nên người Mông gọi là bánh treo chơn hoặc treo chân”-bà Luyến nói.

Bà Triệu Thị Luyến-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội, huyện Đak Pơ treo từng cặp bánh treo chân lên dây. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Triệu Thị Luyến-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội, huyện Đak Pơ treo từng cặp bánh treo chân lên dây. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Luyến cho biết thêm: “Bao đời nay, kỹ thuật làm bánh treo chân của người Mông ở Ya Hội vẫn được các bà, các mẹ, các chị duy trì gìn giữ. Bánh không chỉ là một món ăn mà còn mang trong mình giá trị văn hóa. Qua món bánh treo chân, người Mông muốn truyền tải tinh thần sự gắn kết gia đình, cộng đồng và lòng biết ơn đối với thiên nhiên. Vì vậy, bánh thường được làm vào dịp lễ, Tết để cúng thần linh, ông bà để bày tỏ lòng thành kính của mình, với ước mong các đấng linh thiêng phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Từng cặp bánh được kẹp lại với nhau bằng thanh tre nhỏ, treo trên dây để nhỏ hết nước, tránh bánh bị nhão, khi ăn sẽ dẻo ngon hơn. Ảnh: Ngọc Minh
Từng cặp bánh được kẹp lại với nhau bằng thanh tre nhỏ, treo trên dây để nhỏ hết nước, tránh bánh bị nhão, khi ăn sẽ dẻo ngon hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội thông tin: Những năm qua, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, người Mông trên địa bàn xã còn làm các loại bánh truyền thống của dân tộc mình góp phần làm phong phú ẩm thực của địa phương”.

Có thể bạn quan tâm