Độc đáo phong tục chưng cây mía ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, nhiều gia đình còn tìm mua 2 cây mía để chưng  bên ban thờ tổ tiên. Đây là một trong những phong tục tốt đẹp được trân trọng gìn giữ với ý nghĩa Tết đoàn viên hướng về nguồn cội và cầu mong một năm mới khỏe mạnh, bình an, may mắn. 

Nhiều gia đình gốc Hà Tĩnh dù vào Gia Lai lập nghiệp đã lâu nhưng vẫn giữ phong tục chưng mía hai bên ban thờ ngày Tết. Ảnh: Nhật Hào
Nhiều gia đình gốc Hà Tĩnh vào Gia Lai lập nghiệp đã lâu nhưng vẫn giữ phong tục chưng mía hai bên ban thờ ngày Tết. Ảnh: Nhật Hào

Rời quê hương Hà Tĩnh vào Gia Lai lập nghiệp đã gần 20 năm song gia đình chị Nguyễn Thị Hà (tổ dân phố 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) vẫn giữ phong tục chưng cây mía hai bên ban thờ tổ tiên vào mỗi dịp Tết. Chị Hà chia sẻ, chị không biết phong tục này có từ bao giờ. Nhưng từ nhỏ, chị đã được theo bố mẹ ra chợ chọn mua mía, sau đó mang về rửa sạch sẽ rồi chưng hai bên ban thờ. Ngày đó, hầu hết các gia đình ở quê chị đều làm như vậy. Vì thế, khoảng từ 24 hoặc 25 tháng Chạp, chợ quê đã tấp nập các điểm bán mía. Song tại Gia Lai, các điểm bán mía ít hơn nên có năm, chị phải ra chợ phường Yên Thế hoặc chợ Bà Định tìm mới có mía mua về chưng Tết.

“Theo lời bố mẹ tôi kể, cây mía chính là cây gậy để ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Sau lễ hóa vàng, cây mía lại trở thành đòn gánh để ông bà gánh những sản vật mà con cháu đã dâng tặng lên ban thờ trở về. Việc chưng mía vào ngày Tết thể hiện sự thành kính của con cháu với ông bà, cha mẹ đã mất. Do đó, hầu như năm nào gia đình tôi cũng mua mía về chưng. Việc chọn mua mía cũng phải kỹ càng, cây càng thẳng, to, lóng càng dài và không bị sâu thì càng tốt”-chị Hà cho hay.

 Người dân chọn mua mía để về chưng hai bên ban thờ ngày Tết. Ảnh: Nhật Hào
Người dân chọn mua mía về chưng hai bên ban thờ ngày Tết. Ảnh: Nhật Hào


Tỉ mỉ chọn cây mía có thân đẹp để về chưng Tết, chị Nguyễn Thị Thơ (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho biết, từ khi vào Pleiku sinh sống, chị mới biết không chỉ người quê Hà Tĩnh mà người dân ở một số tỉnh, thành miền Bắc vào đây cũng có phong tục chưng mía ngày Tết.

“Theo quan niệm của người dân quê tôi, cây mía giúp kết nối âm-dương, tạo mối liên hệ giữa bề trên đã mất với con cháu trên dương thế. Nhờ có cây mía, tổ tiên, ông bà mới về đón Tết cùng con cháu. Ngoài ra, cây mía có vị ngọt còn mang lại một năm may mắn, khỏe mạnh và vươn lên thành công như chính cây mía đã vươn mình cao lớn”-chị Thơ giải thích.


Cùng quan niệm trên, anh Đinh Văn Cảnh (tổ 1, phường Trà Bá) cho rằng mía là cây gậy để ông bà chống khi đi về ăn Tết cùng con cháu. Việc chưng cây mía vào ngày Tết cũng thể hiện mong muốn của người Việt mình về một năm mới ngọt ngào.

“Sau lễ cúng hóa vàng vào ngày mùng 3 Tết, nhiều gia đình đợi qua Rằm tháng Giêng mới bắt đầu hạ mía. Còn người dân quê Quảng Xương (Thanh Hóa) chúng tôi sẽ hạ mía ngay lúc đó, rồi róc vỏ, chặt thành từng khúc nhỏ để cả gia đình cùng thưởng thức. Lúc đó, mía đang còn tươi mới sẽ ngọt hơn, mát hơn và được xem là “lộc”, mang lại một năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh cho gia đình"-anh Cảnh chia sẻ.

Nắm được phong tục ngày Tết của một số hộ dân, năm nào bà Hòa cũng nhập mía về bán vào dịp Tết
Năm nào chị Nguyễn Thị Hoa cũng nhập mía về để bán cho người dân chưng Tết. Ảnh: Nhật Hào


Nắm được phong tục này của người dân ở các tỉnh thành khác tới Gia Lai lập nghiệp, Tết Nguyên đán năm nào chị Nguyễn Thị Hoa-tiểu thương tại chợ phường Yên Thế cũng nhập mía về bán. Chị Hoa cho biết, khách hàng của chị chủ yếu là người miền Trung và miền Bắc. Trung bình mỗi dịp Tết, chị bán được 100-150 cây mía.

“Đa số họ đến mua mía đều chọn những cây có thân đẹp, lóng dài và không bị sâu. Đặc biệt, họ để nguyên gốc, rễ và tán lá mía để về thờ cúng vì quan niệm cây mía giúp kết nối âm dương, trời-đất và như vậy sẽ tạo ra sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa con cháu và tổ tiên, ông bà trong dịp Tết đến, xuân về. Chính vì vậy, dù chở mía về khá cồng kềnh nhưng ai cũng mong muốn mua được những cây mía to, đẹp để chưng hai bên ban thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết”-chị Hoa cho hay.

Chưa ai biết chính xác phong tục chưng cây mía hai bên ban thờ tổ tiên vào ngày Tết có từ bao giờ. Song nét đẹp văn hóa này vẫn còn được nhiều gia đình ở một số vùng miền gìn giữ. Và dù với ý nghĩa như thế nào thì phong tục chưng mía ngày Tết vẫn mang nét đẹp văn hóa riêng, thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
 

NHẬT HÀO